1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vũ “nhôm” có quốc tịch thứ 2 từ năm 2017?

(Dân trí) - Tại phiên xử sáng nay, 28/11, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết Vũ “nhôm” nhập quốc tịch và chính thức trở thành công dân Antigua và Barbuda từ năm 2017. Tuy nhiên, giấy tờ liên quan đến việc chứng minh quốc tịch của Vũ “nhôm” đang bị thất lạc...

Vũ "nhôm" đã khắc phục được 173 tỷ đồng

Ngày 28/11, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Theo đó, ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hai bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm) và Phạm Văn Phước bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

46885459_511712825975735_5535901669868437504_n

Vũ "nhôm" sẽ bị cách ly trong phần xét hỏi.

22 bị can còn lại bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đầu phiên tòa, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Vũ “nhôm” ) cho biết bị cáo Phan Văn Anh đang nỗ lực để khắc phục hậu quả trong vụ án này. Ông Trạch cũng xác nhận, đến nay gia đình Vũ “nhôm” đã nộp khắc phục hậu quả được tổng cộng 173 tỉ đồng.

Liên quan tới quốc tịch thứ 2 của Vũ “nhôm”, luật sư Trạch cho biết Vũ “nhôm” nhập quốc tịch và chính thức trở thành công dân Antigua và Barbuda từ năm 2017. Tuy nhiên, giấy tờ liên quan đến việc chứng minh quốc tịch của Vũ “nhôm” bị thất lạc nên luật sư Trạch đang tìm cách hỗ trợ Vũ “nhôm”, để chứng minh Vũ “nhôm” có quốc tịch thứ 2 ngoài quốc tịch Việt Nam.

Ông Trạch cho biết văn bản ông trình cho tòa là văn bản trả lời từ nước Antigua và Barbuda, sau khi ông gửi công văn hỏi họ về tình hình quốc tịch của Vũ “nhôm”.

Cũng theo luật sư Trạch, dù không được tòa chấp nhận văn bản ông trình, nhưng do Antigua và Barbuda thuộc Liên hiệp Anh nên ông cũng đã gửi công văn đến Tổng lãnh sự quán Anh để hỏi và đang chờ phúc đáp.

Antigua và Barbuda gồm hai hòn đảo chính và nhiều đảo nhỏ, nằm giữa biển Caribê và Bắc Đại Tây Dương, phía đông - đông nam lãnh thổ Puerto Rico.

Không thể định giá 230 triệu cổ phần DongABank

Theo hồ sơ vụ án, công ty Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch hội đồng quản trị, sở hữu 50 triệu cổ phần (10%) DongABank. Năm 2013 DongABank bị thua lỗ kéo dài, Trần Phương Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỉ đồng để có tiền xử lý khó khăn, nâng cao vị thế.

Năm 2014, ông Bình thống nhất bán cho Vũ “nhôm” 60 triệu cổ phần DongABank với giá 600 tỉ đồng để trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối DongABank. Tuy nhiên, Vũ “nhôm” chỉ thế chấp cho ngân hàng 220 lô đất tại Đà Nẵng trị giá 400 tỉ đồng. 200 tỉ còn lại Vũ được ông Bình xuất quỹ của DongABank ứng bù.

Khi tăng vốn không thành, DongABank đã chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 tiền gốc 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ tiền lãi. Viện KSND Tối cao xác định, Vũ “nhôm” chiếm đoạt của DongABank tổng cộng 203 tỉ đồng.

Để khắc phục thiệt hại trong vụ án, nhà chức trách đã kê biên 5 bất động sản của các bị cáo và phong toả số lượng lớn chứng khoán... Trong đó có hơn 230 triệu cổ phần DongABank đứng tên công ty Bắc Nam 79, Phan Văn Anh Vũ, gia đình ông Bình và hàng loạt người.

Tuy nhiên, Hội đồng định giá trong tố tụng Hình sự của TPHCM từ chối định giá cổ phần DongABank do chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Hai đơn vị khác do Bộ Công an thuê cũng không thể xác định giá trị vì báo cáo tài chính của DongABank từ năm 2015 đến 2017 (khi vụ án bị phát hiện) chưa được kiểm toán.

Xuân Duy