1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ Hứa Thị Phấn: Thu chi của nhóm Phương Trang sẽ làm rõ khoản nợ?

(Dân trí) - Luật sư cho rằng nhật ký thu chi tiền mặt của nhóm Phương Trang, trao đổi qua lại của các cá nhân, chứng từ thỏa thuận khoản vay giữa Đại Tín và Phương Trang là chứng cứ quan trọng của vụ án cần được làm rõ.

Ngày 26/5, phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán công ty TNHH Phú Mỹ, thư ký riêng của bà Phấn), luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo đồng thuận với quan điểm bào chữa của các luật sư bà Phấn trong phần tranh luận đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hành vi cố ý làm trái trong việc hạch toán thu chi khống.

Theo luật sư Thảo, trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng đều xác định bị cáo Loan giữ vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực cho bà Phấn thực hiện 2 hành vi phạm tội trên là không khách quan. Bị cáo Loan và chồng là Nguyễn Kim Thanh (cũng là bị cáo trong vụ án) đều là những người làm công ăn lương cho bà Phấn.

Theo luật sư, năm 2009, bị cáo Loan được nhận vào làm việc, ký hợp đồng lao động với công việc là nhân viên kế toán tại công ty TNHH Phú Mỹ. Là người làm công nên bị cáo Loan bị sai vặt là chuyện bình thường, không phải là người thân cận với bà Phấn như cáo trạng quy kết. Điều này còn chứng minh qua việc vợ chồng bị cáo Loan không được có mặt trong các chuyến du lịch giữa nhóm Phương Trang với ngân hàng Đại Tín, người nhà bà Phấn, không có mặt trong tiệc sinh nhật của bà Phấn...

Luật sư Thảo trình bày các nguyên tắc lập báo cáo tài chính bao gồm: thận trọng, trung thực, khách quan, nhất quán. Theo đó, các báo cáo tài chính trong vụ án này đã nộp tại cơ quan thuế.

Theo lời khai của ông Nguyễn Hữu Luận, để theo dõi tình hình tài chính chung của nhóm Phương Trang thì ông Luận có chỉ đạo thành lập sổ thu chi để nắm rõ các hoạt động của công ty. Theo đó, luật sư cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa bà Phấn với Phương Trang, với ông Luận để làm rõ nhiều vấn đề mà cáo trạng chưa thể hiện được.

Đối với việc giải ngân 2.000 trái phiếu của Trường Vỹ (1 công ty trong nhóm Phương Trang), việc giải ngân được thực hiện 4 lần. Xác nhận lời khai tại công ty Trường Vỹ thì cho rằng không nhận được khoản tiền nào. Nhưng tại báo cáo tài chính của công ty Trường Vỹ lại thể hiện về những khoảng thời gian phát hành trái phiếu và các khoản tiền góp vốn đầu tư của các công ty khác bằng số tiền phát hành trái phiếu của Trường Vỹ.

Trong giấy đăng ký mở tài khoản thì các công ty đều đăng ký nhận sổ phụ để nộp cơ quan thuế. Theo luật sư đã có phần gốc thì phải có phần lãi. Nếu nhóm Phương Trang cho rằng không nhận thì lấy số liệu ở đâu mà báo cáo cơ quan thuế. Nếu nhầm lẫn một lần chứ không thể nhầm lẫn nhiều lần và ở tất cả các công ty như vậy.

Nếu nhóm Phương Trang sử dụng những con số này để báo cáo tài chính và làm cơ sở tính thuế doanh nghiệp, luật sư đặt ra vấn đề nhóm Phương Trang và các công ty thuộc nhóm Phương Trang có trốn thuế hay không?

Về tội cố ý làm trái, luật sư có quan điểm phản đối quan điểm của các bị cáo khi cho rằng Loan là người chỉ đạo. Bộ phận kế toán thực hiện theo quy trình có thể không gặp khách hàng nhưng người đứng đầu chi nhánh phải biết khách hàng là ai.

Bản thân nhóm Phương Trang không thể đại diện cho 22 công ty. Trong kết luận điều tra vẫn chưa rõ cơ sở phân định 82 khoản vay. Luật sư Thảo cho biết 2 khoản vay công ty Sài Gòn Phú Gia, công ty Địa ốc Kỷ Nguyên chứng minh rõ nhất không giải ngân bằng tiền mặt mà chuyển khoản nhưng không được đưa vào hồ sơ.

Luật sư Thảo cũng cho rằng đây không phải giải ngân khống, nếu khống thì tiền đâu chuyển 30 tỉ cho ông “Vũ Nhôm”?.

Xuân Duy