1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xuất hiện lời khai “sinh đôi” trong vụ án Hứa Thị Phấn

(Dân trí) - Theo luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn, trong vụ án có nhiều lời khai, tường trình "sinh đôi": lời khai của 2 người nhưng có cùng ngày, cùng giờ, cùng điều tra viên, kiểm sát viên, điều tra viên...

Ngày 24/5, phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Các luật sư tại phiên tòa
Các luật sư tại phiên tòa

Mở đầu phiên tòa, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng trong vụ án này có nhiều điểm chưa được làm rõ.

Cụ thể, về việc mua bán lòng vòng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, cáo trạng xác định sau khi mua căn nhà này với giá 1.260 tỉ đồng, Ngân hàng Đại Tín đã bị lỗ lũy kế 6.061 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.854 tỉ đồng.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng nguyên nhân thua lỗ dẫn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu sụt giảm so với sổ sách như cáo trạng là do tại thời điểm tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Tín trích dự phòng rủi ro bổ sung.

Như vậy, tại thời điểm mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch vốn chủ sở hữu chưa âm mà còn 3.132 tỉ đồng nên chưa đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng như quy kết.

Ngoài ra, luật sư cho rằng tài sản này là của bà Phấn, theo nguyên tắc "thuận mua vừa bán", bà Phấn không chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Từ đó, luật sư Thơ cho rằng hành vi của bà Phấn không đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm.

Về việc hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ khống 5.256 tỉ đồng cho Phương Trang, luật sư Thơ cho rằng có ghi âm rõ ràng trao đổi giữa bà Phấn với ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Phương Trang) và nhiều người khác, xác định nhóm Phương Trang nợ ngân hàng Đại Tín hơn 9.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tài liệu này đã bị Viện kiểm sát bác bỏ, không công nhận là chứng cứ. Luật sư Thơ đề nghị Viện kiểm sát phải cho giám định lại đoạn băng ghi âm này vì việc bác bỏ chứng cứ này là không xem xét thấu đáo.

Luật sư Thơ cũng cho rằng, việc giám định đoạn băng ghi âm còn để làm rõ nhiều nội dung liên quan. Người đàn ông tên Cao trong đoạn băng ghi âm được bà Phấn cho biết là công an, nên cần điều tra mối quan hệ giữa ông Cao, ông Luận trong việc cản trở quá trình điều tra của Ngân hàng Nhà nước và vụ án.

Ngoài ra, luật sư Thơ còn chỉ ra trong vụ án có nhiều lời khai, tường trình "sinh đôi": cùng ngày, cùng giờ, cùng điều tra viên, kiểm sát viên, điều tra viên không lấy cung bằng biên bản viết tay, bản cung sai ngày, tháng, năm, có dấu hiệu ép cung, không khách quan...

Biên bản làm việc với ông Phạm Trọng Hiển, Nguyễn Thanh Việt (người liên quan) có nội dung giống như bản tường trình của ông Quan, không thể hiện được ý chí của những người này, không đảm bảo tính khách quan. Có bút lục thể hiện Viện kiểm sát, điều tra viên và kiểm sát viên cùng lấy lời khai 2 người trong cùng 1 giờ, 1 ngày…

Theo bà Thơ, luật sư yêu cầu HĐXX triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên nhưng không được chấp nhận. Điều này sẽ không đảm bảo việc luận tội các bị cáo được khách quan.

Xuân Duy