Vụ án "câm nín" 40 năm: Mất mát này không thể bù đắp, hãy trả mẹ cho tôi!
(Dân trí) - "Tôi chỉ muốn một người mẹ. Đau thương, mất mát tôi trải qua không thể tính bằng tiền. Tôi mất cha, rồi mất luôn mẹ vì bị sát hại dã man, cuộc đời tôi đã chịu muôn vàn cơ cực", anh An cay đắng.
Vụ án chấn động vùng quê
Ngược thời gian 42 năm trước tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là bà Phan Thị Khanh, bị chém nhiều nhát, toàn bộ số vàng trên người bị mất.
Vào cuộc điều tra, công an đã bắt ông Võ Tê (sinh năm 1932, đã qua đời, người dân địa phương), nhưng sau 5 tháng tạm giam, khởi tố điều tra mà không có căn cứ kết tội, công an đã thả ông Tê mà không có quyết định đình chỉ bị can.
Trong khi công an bắt ông Tê thì dư luận nơi đây cho rằng hung thủ thực sự giết bà Phan Thị Khanh là Trương Đình Khôi (tên thường gọi là Trương Đình Chi) bởi trước đó, gia đình Khôi rất nghèo, đến tiền mua thuốc cho con trai bị bệnh cũng không có, phải ở nhờ nhà ông Phan Thanh (anh em cọc chèo với Khôi, ông Thanh là em ruột bà Khanh), nhưng sau đó lại giàu lên bất thường.
Theo anh Đỗ Thanh An (con trai bà Khanh), khi vụ án xảy ra, anh còn bé nhưng vẫn nhớ Khôi là người đi báo án. Sau khi tổ chức đám tang cho mẹ anh An xong thì vợ chồng Khôi biến mất khỏi địa phương.
Sau đó công an Bình Thuận đã đi tìm Khôi nhưng người này vẫn bặt vô âm tín. Suốt nhiều năm, Khôi thay tên, đổi họ và liên tục thay đổi nơi ở để trốn sự truy tìm của cơ quan chức năng.
Khi anh An lớn lên, nghe hàng xóm kể về kẻ tình nghi đã sát hại mẹ mình nên quyết tâm lặn lội khắp nơi truy tìm hung thủ.
Trên hành trình dò tìm dấu vết hung thủ, từ năm 1990, anh An đã gửi đơn tố cáo Trương Đình Khôi tới các cơ quan chức năng, đồng thời, ra Bắc vào Nam hễ nơi nào có tên Trương Đình Khôi hay ngoại hình giống đều lập tức tìm đến, chưa một lần nản chí.
"Hãy trả cho tôi một người mẹ!"
Trong ký ức của người đàn ông bất hạnh này, mẹ là một phụ nữ đẹp người, đẹp nết, luôn nhận phần gian khó về mình để chồng con được hạnh phúc. Nhiều năm qua kể từ khi mẹ mất anh không đêm nào ngon giấc.
Khi mẹ mất, đứa trẻ ngày ấy mới 6 tuổi, phải sống trong cực khổ và cuộc đời bi kịch. Hễ nhắm mặt là anh An lại thấy hình ảnh người mẹ hiền của mình hiện lên.
Hơn 30 năm đi tìm kẻ cướp mạng sống của mẹ, tới năm 2021, những tia hy vọng đầu tiên trên hành trình gian truân của anh An bắt đầu xuất hiện bằng việc Công an tỉnh Bình Thuận quyết định phục hồi điều tra vụ án.
Kết quả điều tra cho thấy, Trương Đình Khôi là kẻ giết bà Khanh, cướp tài sản. Tuy nhiên, do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên hung thủ thoát tội.
Về phần dân sự, Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị anh An khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Theo đó, con của nạn nhân yêu cầu bồi thường số tiền 6,5 tỷ đồng và 1,5 cây vàng mà Khôi đã cướp của bà Khanh.
Anh An cho biết: "Do cơ quan chức năng yêu cầu tôi kê ra các khoản thiệt hại nên tôi kê ra thôi, chứ thực lòng tôi chỉ muốn người ta trả cho tôi một người mẹ. Những đau thương, mất mát mà tôi trải qua thì không thể tính bằng tiền.
"Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường", tôi mất cả cha lẫn mẹ thì phải chịu muôn vàn cơ cực. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng hạnh phúc cuộc đời tôi đã bị Trương Đình Khôi cướp mất. Vì vậy tôi mong kẻ thủ ác phải chịu sự trừng trị của pháp luật", anh An đau xót nói.
Liên quan trong vụ án này, ông Võ Ngọc (58 tuổi, ngụ xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), đại diện cho 8 anh chị em là con ông Võ Tê - người bị bắt giam oan 42 năm trước về tội "Giết người", "Cướp tài sản" đã gửi đơn yêu cầu cơ quan CSĐT và Viện KSND tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi công khai xin lỗi nhằm phục hồi danh dự cho ông Tê và gia đình vì cha bị bắt giam oan.
Trong đơn thể hiện: "Mặc dù biết rõ ông Võ Tê không phạm tội nhưng cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không đình chỉ điều tra bị can, dẫn đến suốt từ lúc được thả đến khi qua đời vào năm 1994, cha chúng tôi sống trong tủi nhục và cay đắng; hàng xóm xa lánh, họ hàng ở quê không nhìn mặt; chết đi trong sự ghẻ lạnh của nhiều người. Nỗi oan khuất này luôn đè nặng tinh thần của chúng tôi - những đứa con không được học hành đến nơi đến chốn, cũng không có điều kiện đi kêu oan cho cha".