1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ án giết người "câm nín" suốt 40 năm: Mang thân phận bị can oan xuống mồ

Trung Kiên Xuân Duy

(Dân trí) - Ông Võ Tê bị khởi tố, bắt giam oan về tội giết người, cướp tài sản. Suốt 41 năm nhà chức trách không đình chỉ bị can khiến ông Tê và gia đình phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát.

Liên quan tới vụ án giết người 40 năm "câm nín" Dân trí đã phản ánh, ngày 16/2, cơ quan công tố tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức xin lỗi công khai đối với người bị oan sai là ông Võ Tê (sinh năm 1932).

Bị giam oan 5 tháng

Theo hồ sơ vụ án, ngày 31/7/1980, bà Phan Thị Khanh (sinh năm 1954, trú tại huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải - nay là tỉnh Bình Thuận) vào rẫy thu hoạch bắp, nhưng đến chiều tối không về nhà. Gia đình tìm kiếm thì phát hiện người này đã tử vong.

Xác định đây là vụ án mạng, công an nhanh chóng vào cuộc điều tra. Ngày hôm sau, ông Võ Tê (người cùng làng với bà Khanh) bị bắt tạm giam về tội giết người, cướp tài sản.

Ngày 19/9/1980, Công an huyện Hàm Tân chuyển vụ án và di lý bị can Võ Tê đến phòng cảnh sát hình sự ty Công an tỉnh Thuận Hải (nay là Công an tỉnh Bình Thuận) điều tra theo thẩm quyền.

Vụ án giết người câm nín suốt 40 năm: Mang thân phận bị can oan xuống mồ - 1

Ông Võ Ngọc (con trai ông Tê) cầm thông báo của cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra vụ án, nhà chức trách không đủ cơ sở buộc tội ông Võ Tê. Vì vậy, ngày 30/12/1980, Công an điều tra ra lệnh tha đối với người này.

Sau đó, gần 4 năm tiếp theo, nhà chức trách quyết định tạm kết thúc hồ sơ.

Và suốt 41 năm, vụ án tưởng chừng đã bị lãng quên thì 16/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định phục hồi vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo đó, kết quả điều tra lần mới nhất đã xác định đối tượng Trương Đình Chi (tức Mười Chi; còn có tên gọi khác là Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn; 66 tuổi, ngụ Phú Yên) là người sát hại bà Khanh cướp tài sản. Tuy nhiên, do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên đối tượng này thoát tội.

Sau khi xác định được hung thủ thực sự trong vụ án, Công an tỉnh Bình Thuận xác định việc khởi tố, bắt giam ông Võ Tê là không đúng quy định pháp luật. Từ đó, nhà chức trách quyết định đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án. Hiện ông Tê đã qua đời (khi chết vẫn còn mang thân phận bị can).

Sống như "xác ướp" không hồn

Do ông Võ Tê đã qua đời nên quyết định đình chỉ được gửi tới ông Võ Ngọc (58 tuổi, con ông Tê). Ngày nhận được "giấy chứng nhận oan sai" cho cha, người đàn ông U60 rơi vào trạng thái "vui buồn lẫn lộn". Vui vì sau khi chờ đợi, kêu oan suốt 41 năm, cha của ông cũng được minh oan. Nhưng rất buồn bởi những đau thương, mất mát mà gia đình phải gánh chịu suốt thời gian dài.

Nhớ lại những năm tháng cha bị giam oan, ông Ngọc chia sẻ, gia đình ông đã phải sống trong tủi nhục, bị hàng xóm xa lánh, bị coi là "quân giết người, cướp của". Ông Ngọc và các em lần lượt phải bỏ học vì không chịu nổi "búa rìu" dư luận.

Năm 1985, không thể chịu đựng thêm những gièm pha, ông Ngọc đăng ký đi bộ đội. Ba năm sau, ông Ngọc phục viên trở về. Ông càng thương cha hơn khi chứng kiến cha mình sống như một chiếc bóng.

Ông Ngọc nhớ lại, cha mình là người hiền lành, biết bốc thuốc nam chữa bệnh cho bà con địa phương. Biến cố xảy ra khiến gia đình ông bị đảo lộn, kinh tế khó khăn….

"Sau thời gian bị tạm giam trở về, tôi biết 5 tháng ở trong tù thì cha tôi bị biệt giam, ngày trở về ông đứng không nổi. Quãng đường từ tỉnh về nhà chừng 60 km, nhưng cha tôi đã phải đi trong nhiều ngày, vừa đi vừa ăn cỏ cây dọc đường…" -  ông Ngọc kể.

Trở về quê, trước sự dè bỉu của hàng xóm, láng giềng nên rất khó khăn, ông Ngọc mới có thể lập gia đình. Và may mắn, vợ ông Ngọc là người đồng cảm, hiểu chuyện và biết bố chồng bị oan nên rất chia sẻ cùng ông. 

Ông Ngọc nhiều lần khuyên cha mình đi gõ cửa cơ quan chức năng kêu oan nhưng biết rõ gia đình mình thấp cổ bé họng nên đành ngậm ngùi mang thân phận bị can. Bị hàng xóm xa lánh, họ hàng xa lánh, phải sống trong u uất suốt thời gian dài khiến ông Tê lâm bệnh nặng và ra đi khi vừa ngoài 60 tuổi.

Điều khiến ông Ngọc bức xúc là cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận biết rõ ông Võ Tê bị oan sai, nhưng không ra quyết định đình chỉ khiến cha mình phải mang thân phận bị can tới chết!.

"Suốt hơn 40 năm qua, gia đình tôi phải sống như những "xác ướp" không hồn. Đến nay, khi cơ quan điều tra đã minh oan cho ba tôi thì anh em chúng tôi có thể dõng dạc tuyên bố, mình không phải là con của kẻ giết người", ông Ngọc chia sẻ.

Và khi đề cập đến việc bồi thường oan sai, ông Ngọc cho biết, sẽ nhờ luật sư bảo vệ xác định và đưa ra các khoản, theo đó sẽ gửi đến công an và viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận làm căn cứ, thương lượng.

Trong thông báo kết thúc điều tra vụ án, Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị ông Võ Ngọc có đơn yêu cầu bồi thường cụ thể để làm căn cứ giải quyết.

Công an và Viện kiểm sát tỉnh sẽ tiến hành tổ chức minh oan và giải quyết theo Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước.

Dòng sự kiện: Vụ án "câm nín" 40 năm