Vụ 8 người chạy thận tử vong: Hoàng Công Lương phủ nhận được phân công quản lý
(Dân trí) - Tại tòa, ông Hoàng Đình Khiếu – PGĐ kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, cuối năm 2015 đã phân công bị cáo Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, bị cáo Lương đã phủ nhận điều này và cho biết chỉ được phân công với tư cách là bác sĩ điều trị.
Sáng nay 16/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên, đây là ngày xét xử thứ 2.
Tại tòa, ông Hoàng Đình Khiếu – Phó Giám đốc (PGĐ) kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, khoa Hồi sức tích cực rất nhiều việc vì có 2 đơn nguyên, gồm: Đơn nguyên thận nhân tạo và Đơn nguyên Hồi sức tích cực.
Do công việc nhiều, nên cuối năm 2015, sau khi bàn bạc thống nhất với các cán bộ trong khoa, ông Khiếu có phân công cho bị cáo Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, còn bác sĩ Hoàng Công Tình phụ trách Đơn nguyên Hồi sức tích cực.
HĐXX hỏi, cụ thể sự phân công trên bị cáo Hoàng Công Lương sẽ phải làm những công việc gì và việc phân công này có thể hiện bằng văn bản đóng dấu không? Ông Khiếu cho biết, bị cáo Lương có trách nhiệm khám, chữa bệnh và điều hành phân công công việc; còn việc phân công chỉ thông qua các cuộc họp giao ban, không có văn bản đóng dấu nhưng tất cả mọi người trong khoa đều biết.
Tuy nhiên, trong phần khai báo của mình, bị cáo Hoàng Công Lương phủ nhận thông tin của ông Khiếu và cho rằng, bị cáo chỉ được phân công xuống làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo với tư cách là bác sĩ điều trị, không có trách nhiệm quản lý hay phân công công việc.
HĐXX hỏi bị cáo Lương, trong Đơn nguyên thận nhân tạo, ai là người được phép ra y lệnh lọc máu chạy thận nhân tạo và có trách nhiệm về y lệnh này? Bị cáo Lương cho biết, 3 bác sĩ ở Đơn nguyên thận nhân tạo đều có quyền ra y lệnh và chịu trách nhiệm về y lệnh của mình. Chỉ trong trường hợp khó, các bác sĩ sẽ hội chẩn và người ra y lệnh cuối cùng phải chịu trách nhiệm về điều này.
Trước câu hỏi của HĐXX, sáng ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố 8 người chết, 10 người bị thương) ai là người ra y lệnh lọc máu chạy thận cho các bệnh nhân? Bị cáo Lương khai, sau khi được điều dưỡng Điệp thông báo thiết bị chạy thận có thể hoạt động bình thường, bị cáo và 2 bác sĩ còn lại đã ra y lệnh.
Về thông tin này, ông Khiếu cho biết thêm: Trong trường hợp bình thường, các bác sĩ đều được quyền ra y lệnh, chỉ trường hợp phức tạp các bác sĩ sẽ hội chẩn và người nào ra y lệnh cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Lương đã nhiều lần khẳng định trước tòa, bị cáo chỉ có nhiệm vụ là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo còn không có trách nhiệm về chất lượng thiết bị, việc này do phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế phụ trách. Khi phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế bàn giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng, nghĩa là máy móc đã đảm bảo an toàn.
Nguyễn Dương – Đàm Quang