Hòa Bình
Vụ 8 người chạy thận tử vong: Vắng nguyên Giám đốc bệnh viện nhưng không hoãn xử
(Dân trí) - Sáng nay (15/5), Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hòa Bình đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ 8 người chạy thận tử vong tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình hôm 29/5/2017. Nguyên Giám đốc bệnh viện Hòa Bình được triệu tập đã vắng mặt nhưng tòa quyết định không hoãn xử.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nghiêm Hoài Anh - Phó Chánh án TAND thành phố Hòa Bình.
Đại diện Viện Kiểm sát TP Hòa Bình thực hiện quyền công tố là bà Bùi Thị Thu Hằng – Phó Viện trưởng, ông Lê Quý Thanh - Kiểm sát viên.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên xử
3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, thường trú phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”; Bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990, thường trú phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình - Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và bị cáo Hoàng Công Lương (SN 1986, hộ khẩu thường trú Quốc Oai, Hà Nội, trú tại xã Sủ Ngòi, TP Hoà Bình - Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình) cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đăng ký tham gia tố tụng có 14 luật sư và 1 trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân là người nghèo và vùng 135, tăng hơn lần trước 2 luật sư.
Bị đơn dân sự là Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người có nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh cùng một số y bác sĩ, người nhà nạn nhân cũng được triệu tập đến phiên tòa.
Đáng chú ý, ông Trương Quý Dương , ông Hoàng Đình Khiếu, ông Trần Văn Thắng cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi liên quan đến vụ án.
Được biết ông Trương Quý Dương nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đi nước ngoài thăm con gái từ ngày 3/4/2018 chưa về.
Thời điểm xảy ra vụ án ngày 29/5/2017, ông Dương, ông Khiếu, ông Thắng là những người giữ chức vụ Giám đốc, Trưởng khoa Hồi Sức tích cực, Đơn nguyên thân nhân tạo, Trưởng phòng vật tư Y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Những người có liên quan, người đại diện cho bị hại, người thừa kế hàng thứ nhất của người bị hại cũng được TAND TP Hòa Bình mời đến phiên xử.
Các bị cáo tại phiên xử sáng nay (15/5)
Ngay khi phiên tòa mới bắt đầu, luật sư Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cho biết đã có văn bản đề nghị TAND thành phố Hoà Bình triệu tập người có thẩm quyền của Bộ Y tế để làm rõ việc ban hành quy trình và các chức danh của bệnh viện, từ đó xác định trách nhiệm của các bị cáo và những người liên quan.
Luật sư cũng đề nghị triệu tập hội đồng chuyên môn, đại diện Sở Y tế tỉnh Hoà Bình để làm rõ “có hay không việc trục lợi” trong hợp đồng y tế của bệnh viện, làm rõ tính đúng đắn đối với hoạt động chuyên môn của bác sĩ Lương khi xảy ra sự cố; Đề nghị triệu tập ông Trương Quý Dương để làm rõ trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác chung của bệnh viên, trong đó có việc sửa chữa, mua sắm vật tư y tế của khoa hồi sức tích cực và đơn nguyên thận nhân tạo. Sự vắng mặt của ông Dương sẽ làm khó khăn trong việc làm sáng tỏ nhiều tình tiết quan trọng.
“Không triệu tập được ông Dương, không làm rõ các hành vi về trách nhiệm của ông Dương sẽ bỏ lọt tội phạm” – LS Thiệp nói.
Ngoài ra, luật sư đề nghị triệu tập các công ty gửi báo giá đến bệnh viên để đấu thầu nhưng thực ra làm theo yêu cầu của Công ty Thiên Sơn, để làm có yếu tố thông thầu ở đây không.
Luật sư Trần Vũ Hải bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc đề nghị mời hai nhân chứng là hai người kí hợp đồng, đại diện cho công ty Thiên Sơn và BV đa khoa Hòa Bình, đó là ông Đỗ Anh Tuấn và Trương Quý Dương, Công ty Trâm Anh có một số tài liệu gửi tòa án. Đề nghị HĐXX xem xét đây là các chứng cứ chứng minh hợp đồng giữa công ty Trâm Anh và công ty Thiên Sơn không phải là có thật tại thời điểm ngày 28/5. Có việc báo giá từ ngày 18/4, trong cáo trạng nói rằng 20/4 mới có đề xuất sửa chữa nhưng từ 18/4 đã có báo giá giữa Công ty Trâm Anh và Công ty Thiên Sơn.
“Bắt buộc phải mời hai người này, nếu không mời được phiên tòa hôm nay không thể làm rõ được sự thực về việc tại sao có sự cẩu thả từ khâu kí hợp đồng cho đến cả quá trình dẫn tới vụ án này” – LS Hải nhấn mạnh.
LS Nguyễn Hoàng Trung, bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân: đại diện cho các gia đình bị hại có xuất trình đơn yêu cầu bổ sung kèm tài liệu về việc chi phí cho phần mộ vĩnh viễn cho các nạn nhân đã tử vong, yêu cầu phía BV thực hiện trách nhiệm bồi thường này. Ngoài ra, đã xuất trình báo giá về các chi phí cho 8 ngôi mộ vĩnh viễn. Ông Trung cũng cho biết, các gia đình đều cho rằng những người trực tiếp kí hợp đồng, cung cấp thiết bị lọc thận phải chịu trách nhiệm về sự cố, trong đó các cá nhân trực tiếp là ông Trương Quý Dương, giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn. Do đó, đề nghị triệu tập hai người này để làm rõ các tình tiết vụ án, thỏa lòng của gia đình các nạn nhân.
HĐXX cho biết, đối với yêu cầu triệu tập một số cá nhân như ông Dương, ông Tuấn,.., Tòa đã triệu tập lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Việc vắng mặt này tòa sẽ xem xét và giải quyết để làm rõ các tình tiết liên quan trong quá trình xét xử.
LS Thiệp đề nghị hoãn phiên tòa
Tuy nhiên, theo đại diện của VKS, mặc dù một số người có quyền nghĩa vụ liên quan đã triệu tập lần thứ hai nhưng không có mặt, song vẫn đề nghị tiếp tục xét xử, có thể làm rõ qua quá trình xét xử vụ án nên không hoãn.
HĐXX không chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa và vẫn tiếp tục xét xử.
Trước đó, ngày 7/5, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 8 người chết tại BVĐK Hoà Bình. Sau phần thủ tục khai mạc phiên tòa, kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người có liên quan, lấy ý kiến của Kiểm soát viên và những người có quyền tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử vào hội ý.
Đến 10h10 cùng ngày, Chủ tọa công bố Quyết định hoãn phiên tòa với lý do thiếu vắng mội số người quan trọng liên quan đến vụ án, đa số thiếu luật sư của các bên, thiếu người đại diện hợp pháp của bị đơn là bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình,...
Đàm Quang - Nguyễn Dương