1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vợ ông Chấn được “rửa mặt” tại làng quê

(Dân trí) - Sáng 22/5, sau khi chứng kiến CQĐT tiến hành dựng lại hiện trường vụ giết hại chị Nguyễn Thị Hoan vào năm 2003, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn đã lên tiếng: “Tôi và chồng chính thức được rửa mặt tại chính nơi bị hàm oan cách đây 10 năm”.

Từ sáng sớm ngày 22/5, khi biết tin Cơ quan điều tra và lực lượng chức năng dẫn giải đối tượng Lý Nguyễn Chung về thôn Me dựng lại hiện trường vụ án “giết người” xẩy ra tại xã Nghĩa Trung, huyệnViệt Yên, tỉnh Bắc Giang vào ngày 15/8/2003, hàng trăm người dân địa phương đã tập trung tại sân bóng, nơi đối diện ngôi nhà mà nạn nhân Nguyễn Thị Hoan bị sát hại để một lần được tận mắt chứng kiến “dung nhan” kẻ sát nhân trẻ tuổi và y cũng từng là người sinh ra và lớn lên tại huyện Việt Yên.

Có mặt chứng kiến buổi thực nghiệm dựng lại hiện trường vụ án trong vai quan sát, đích thân ông Nguyễn Thanh Chấn - người trực tiếp liên đới đến vụ án vụ chị Nguyễn Thị Hoan bị sát hại và vợ là bà Nguyễn Thị Chiến cùng một số người thân trong gia đình ông đã có mặt gần hiện trường để chứng kiến sự việc mà ông phải nếm trải sau 10 mùa trăng oan trái trong chốn lao tù.

Vợ ông Chấn được “rửa mặt” tại làng quê
Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn đã lên tiếng: " Tôi và chồng đã chính thức được rửa mặt tại quê nhà".

Sau án mạng kinh hoàng xảy ra, ông Chấn đã bị CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ và truy tố xét xử tội “giết người” với mức án tù chung thân.

Sau khi chứng kiến thực nghiệm hiện trường đối với hung thủ thực sự vụ án, bà Nguyễn Thị Chiến vui mừng cho biết: “Trước đây chồng tôi bị bắt vì tội giết người, mấy đứa con tôi đang ăn học đều phải bỏ dở việc học hành vì bị nhận nhiều ánh mắt khinh rẻ”.

Theo lời bà Chiến, kể cả khi ông Chấn nhận quyết định đình chỉ vụ án, có một số người tin đó là sự thật, nhưng người nhà Lý Nguyễn Chung và một số người khác vẫn chưa tin là chồng tôi thoát tội. “Nhưng đến hôm nay khi công an đưa Chung về thực nghiệm hiện trường thì ai cũng tin Chung là hung thủ” - bà Chiến phấn khởi cho biết.

Tại buổi thực nghiệm điều tra lại vụ án, sau khi tiến hành các thủ tục pháp lý, Lý Nguyễn Chung được yêu cầu thực hiện mô phỏng tội ác của mình như đã gây ra vào đêm 15/8/2003. Nạn nhân Hoan được một người phụ nữ có ngoại hình tương đồng “thủ vai”. Người dân địa phương khẳng định cô gái này trông không quen mặt, được cơ quan chức năng đưa từ nơi khác tới. Chung đã tiến hành thực hiện các động tác hết sức thuần thục.

Vợ ông Chấn được “rửa mặt” tại làng quê
Nghi can chính vụ án giết hại chị Nguyễn Thị Hoan vào năm 2003 - Lý Nguyễn Chung (áo đen, quần soóc đỏ).

Theo lời khai của Chung tại cơ quan điều tra, khoảng 19h30 ngày 15/8/2003 Chung đi từ nhà đến cửa hàng của chị Hoan để mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính đựng hàng có tiền, lòng tham trỗi dậy, Chung rút con dao bấm mới mua lúc nào cũng thủ ở túi sau, bước vào nhà.

Thấy chị Hoan không để ý, Chung đâm chị một nhát. Bị đâm bất ngờ, chị Hoan đã chửi Chung và bỏ chạy vào trong nhà. Chung đuổi theo, trong lúc giằng co, Chung đâm nhầm hai nhát vào tay trái của mình (trên tay vẫn còn hai vết sẹo).

Sau khi giết hại chị Hoan, Chung mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền bán hàng của chị (59.000 đồng) rồi quay ra chỗ chị nằm tháo 2 chiếc nhẫn. Dù lúc gây án chưa đầy 15 tuổi nhưng Chung vẫn bình tĩnh tắt đèn và đóng cửa để mọi người không phát hiện.

Trên đường về, Chung vứt chuôi dao gãy ở mương trước cửa nhà ông Vui, cách nhà chị Hoan vài chục mét. Về đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu.

Vợ ông Chấn được “rửa mặt” tại làng quê
Hiện trường được CQĐT dựng lại để thực nghiệm hành vi "giết người" của nghi can Lý Nguyễn Chung tại nhà riêng bị hại Nguyễn Thị Hoan vào ngày 22/5.

Nghe hàng xóm náo loạn về tin chị Hoan bị sát hại, nhìn thấy chậu quần áo của con có máu, Lý Văn Chúc (bố Chung) đoán được sự việc nhưng thay vì động viên con ra đầu thú, ông Chung đã khuyên Chung lên Lạng Sơn để chạy trốn.

Tại Lạng Sơn, Chung kể toàn bộ sự việc với anh trai là Lý Văn Phúc và đưa 2 chiếc nhẫn cho Phúc. Phúc vay tiền đưa Chung làm lộ phí vào Đắc Lắc. Năm 2005, Phúc bị một đám côn đồ chém chết.

Liên quan đến việc bồi thường oan sai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù oan, ông này cho biết: “Tôi chỉ mong muốn sớm được bồi thường oan sai và công khai xin lỗi vì bản án mà ông phải nhận 10 năm trước”.

Trước đó, ngày 20/4, Luật sư hỗ trợ pháp lý cho ông Chấn đã nộp đơn và các tài liệu liên quan đến TAND tối cao tại Hà Nội yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần mà cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông này.

Liên quan đến vụ án làm sai lệch hồ sơ, vào ngày 9/5, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, bắt giam 2 bị can là Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Quốc Đô

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau