1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vạn Thịnh Phát chi 8-10 tỷ đồng/tháng cho người đứng tên các công ty "ma"

Hải Nam

(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sắp xếp nguồn tiền 8-10 tỷ đồng/tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê đứng tên thành lập công ty "ma", các khoản vay, đứng tên tài sản...

Trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Bộ Công an đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm.

Lập các nhóm quản lý công ty "ma"

Theo kết luận điều tra, năm 2018, bà Lan được cấp dưới báo cáo Ngân hàng SCB đang phải chịu áp lực trả lãi cho người dân, trả nợ nhiều khoản tài chính còn tồn tại.

Bên cạnh đó, năm 2017, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã thanh tra Ngân hàng SCB và đưa SCB vào diện bị hạn chế về hạn mức tín dụng và nhiều hoạt động khác. Những lý do trên khiến hoạt động kinh doanh của SCB lâm vào bế tắc.

Bà Lan khi đó được "hiến kế" sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, từ đó có nguồn tiền xử lý các khoản nợ, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vạn Thịnh Phát chi 8-10 tỷ đồng/tháng cho người đứng tên các công ty ma - 1

Bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hải Long).

Từ năm 2018 đến năm 2020, các bị can đã sử dụng 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, để lừa bán cho nhà đầu tư, thu về hơn 30.869 tỷ đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án, 4 công ty nêu trên còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, một trong những thủ đoạn gian dối của các bị can trong việc tạo lập trái phiếu là thành lập công ty "ma", thuê người đứng tên thành lập công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay... phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn.

Cụ thể, việc thành lập các công ty ma do Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương (Tổng Giám đốc) và Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty SPG) thực hiện, gồm: Đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện pháp luật, cổ đông, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với các hoạt động tài chính cụ thể.

Các công ty ma sau khi thành lập sẽ được Phan Chí Luân (nhân viên Văn phòng HĐQT) theo dõi tổng thể. Ngoài ra, nhóm Hoàng Gia Thủy (nhân viên Văn phòng HĐQT, người quản lý nhóm khoảng 10 nhân viên) sẽ quản lý các con dấu, giấy phép đăng ký kinh doanh và hồ sơ liên quan...

Bên cạnh đó, Nguyễn Phương Anh sẽ phân bổ các công ty cho các kế toán thuộc Nhóm SPG. Nhóm này có khoảng 30 người, mỗi người quản lý 20-30 công ty, có nhiệm vụ mở tài khoản, kê khai kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính và theo dõi, quản lý hồ sơ hoạt động của các công ty ma.

Ngoài nhóm Công ty SPG, còn có nhiều nhóm tìm người khác cho Tập đoàn qua từng giai đoạn hay các nhóm quản lý công ty ma khác như: Nhóm Acumen của Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Acumen), nhóm của Nguyễn Hữu Hiệu...

Trả lương hàng tỷ đồng/tháng

Theo kết luận điều tra, riêng nhóm Công ty SPG, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sắp xếp nguồn tiền 8-10 tỷ đồng/tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê, tùy vào mức độ tham gia.

Cụ thể, lương đứng tên thành lập công ty: 12 triệu đồng/tháng/công ty có khoản vay, 7-10 triệu đồng/tháng/công ty không có khoản vay; lương đứng tên cổ phần: 2 triệu đồng/tháng/công ty; lương đứng tên khoản vay: 15-25 triệu đồng/năm/khoản vay. Các khoản lương này do nhóm Nguyễn Phương Anh chủ động chi trả bằng tiền do Tập đoàn cấp.

Ngoài ra còn có lương đứng tên tài sản là khoảng 15 triệu đồng/năm. Cuối năm, Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Phó Văn phòng HĐQT Tập đoàn) tổng hợp danh sách cho Trương Mỹ Lan để xin nguồn chi trả lương. Sau đó, tiền mặt được chuyền lên Văn phòng HĐQT để Tâm trực tiếp chi tiền mặt cho các trưởng nhóm tìm người đứng tên.

Vạn Thịnh Phát chi 8-10 tỷ đồng/tháng cho người đứng tên các công ty ma - 2

Trụ sở Vạn Thịnh Phát tại 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM (Ảnh: VTP).

Với phương thức này, theo danh sách quản lý của Nguyễn Phương Anh, Phan Chí Luân và tài liệu, chứng cứ khác, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có 1.470 công ty và gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Sau khi được thành lập, các công ty "ma" sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong đó, cơ quan điều tra đã xác định được: 656 công ty được sử dụng để vay tiền SCB (hiện còn 435 công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi); 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua SCB; gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được thành lập để mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần, chuyển nhượng cổ phần, tài sản theo mục đích của Trương Mỹ Lan.

Việc tạo dựng số lượng lớn công ty ma/cá nhân đứng tên, theo kết luận điều tra, còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính được gọi là "Giải quỹ".

Ứng dụng của thủ thuật "Giải quỹ" được sử dụng chính cho việc rút tiền (dòng tiền thật) từ các khoản giải ngân của Ngân hàng SCB nhằm cắt đứt dòng tiền, che giấu mục đích sử dụng tiền, ngoài ra còn được sử dụng khi cần "chạy kỹ thuật" các dòng tiền khống trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp, cho các gói trái phiếu của các công ty phát hành hay rút tiền từ nước ngoài chuyển về.