DNews

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân "sập bẫy"

Hải Nam

(Dân trí) - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quốc Toản cho biết, qua điều tra những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng, ông nhận thấy các nạn nhân mang 3 tâm lý cố hữu: Sợ, tham và tình cảm.

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân "sập bẫy"

Đầu tháng 8, Công an xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nhận thông tin về trường hợp ông C.T.T. (55 tuổi, người địa phương) được một số máy lạ gọi, giới thiệu là người ở Sân bay Tân Sơn Nhất, thông báo ông T. có hộp quà gửi từ nước ngoài về và yêu cầu chuyển khoản 26 triệu đồng để nhận.

Những thủ đoạn cũ nhưng vẫn hiệu quả

"Kịch bản" trên có lẽ không còn lạ lẫm, khi cơ quan chức năng cùng các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều năm qua liên tục tuyên truyền, cảnh báo rằng đó là một thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông T. cho biết, khoảng 3-4 ngày trước, một tài khoản Facebook có tên "JOY SOFIA" có gửi lời mời kết bạn rồi nhắn tin, trò chuyện. Tài khoản này tự nhận là người nước ngoài và đề nghị được tặng quà cho ông T. Sáng 7/8, ông T. nhận được cuộc gọi nêu trên. Do đã được tuyên truyền, người đàn ông này nhận ra dấu hiệu bất thường và chủ động đến công an xã để trình báo.

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân sập bẫy - 1

Đoạn tin nhắn của đối tượng lừa đảo (Ảnh: Công an Bắc Giang).

Không tỉnh táo như ông T., chiều 23/7, ông A. (ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã suýt mất 380 triệu đồng vào tay các đối tượng lừa đảo.

Ông A. cho biết trước đó một đối tượng tự xưng là cán bộ nhà nước gọi điện cho bạn của con gái ông đang làm việc tại Đài Loan, yêu cầu chuyển tiền đến số tài khoản chỉ định tại Việt Nam, nếu không sẽ tố cáo liên quan đến đường dây rửa tiền.

Con gái ông A. sau đó đã gọi cho cha, nhờ cha chuyển tiền giúp. Rất may, ông A. chưa chuyển tiền thì đã được một người thân nhận thấy điều bất thường và kịp ngăn cản.

Tương tự, cuối năm 2023, nhân viên một ngân hàng ở Bắc Giang đã kịp thời ngăn cản một cụ ông tên M. có ý định chuyển 2 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo.

Qua làm việc, ông M. nói bị một số đối tượng lần lượt gọi điện, tự xưng là cán bộ công an, VKSND TP Đà Nẵng và thay nhau đe dọa ông đang vi phạm pháp luật. Chúng yêu cầu ông mở tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP và chuyển tiền vào tài khoản này để phục vụ điều tra.

3 tâm lý cố hữu của nạn nhân

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quốc Toản cho biết, qua điều tra làm rõ những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, cũng như quá trình làm việc với bị hại, ông nhận thấy các nạn nhân thường bị kẻ xấu "đánh" vào 3 tâm lý chính, đó là: Sợ, tham và tình cảm.

Với tâm lý đầu tiên, Đại tá Nguyễn Quốc Toản thông tin, các đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan tố tụng, đe dọa con mồi liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, nạn nhân lo sợ và bị dẫn dắt phải làm theo các yêu cầu của kẻ xấu.

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân sập bẫy - 2

Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Hải Nam).

"Tham", theo Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, là tâm lý của nạn nhân trong những vụ "đầu tư lãi suất khủng", "việc nhẹ lương cao"...

"Ban đầu, đối tượng sẽ cho nạn nhân hưởng những lợi nhuận ban đầu, thậm chí cho nạn nhân rút tiền một cách dễ dàng. Đến khi nạn nhân tin tưởng và đổ vào số tiền rất lớn, chúng sẽ chiếm đoạt", lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang nói.

Tâm lý thứ 3 - "Tình cảm" - Đại tá Toản nhắc đến những tài khoản mạng xã hội với hình ảnh là các cô gái đẹp, kết bạn làm quen, nói chuyện rồi con mồi tự nảy sinh tình cảm. Sau đó, đối tượng sẽ gợi ý tặng quà, tiền từ nước ngoài rồi yêu cầu nạn nhân trả một khoản phí để được nhận.

"Cái tình cảm quyện lẫn với cái tham mới dẫn đến những vụ lừa "tặng quà nước ngoài". Có khi, người quản lý, sử dụng những tài khoản mạng xã hội trên lại là một nam giới", Đại tá Toản nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo, nhiều bị hại từng được tuyên truyền, biết về những thủ đoạn lừa đảo nhưng khi trở thành "nhân vật chính" của vụ việc lại không đủ tỉnh táo, bị chi phối tâm lý và mất tài sản.

Tính ẩn danh của tội phạm mạng

"Tội phạm mạng luôn luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế xã hội. Đây là một vấn đề mang tính quy luật", Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đánh giá về loại tội phạm này.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Toản, với bối cảnh là sự phát triển của khoa học công nghệ, việc sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội là rất phổ biến. Những điều này là môi trường tội phạm mạng lợi dụng để hoạt động.

Chỉ ra khó khăn trong việc đấu tranh với loại tội phạm trên, ông Toản nhấn mạnh về tính ẩn danh của mạng xã hội, SIM điện thoại...

Khi nhà nước quy định SIM điện thoại bắt buộc phải đăng ký chính chủ qua căn cước công dân (CCCD), tội phạm lừa đảo đã "cải tiến", chuyển từ SIM rác sang SIM "mạo danh". Theo vị đại tá, SIM "mạo danh" là SIM được đăng ký hoàn toàn chính chủ với CCCD của một người dân. Tuy nhiên, người được đăng ký làm chủ SIM lại không hề biết họ đang sở hữu số điện thoại đó.

Sau đó, chiếc SIM được bán cho những người khác và có thể một trong số những đối tượng mua chiếc SIM sẽ dùng số điện thoại này để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi lực lượng chức năng truy xét, kiểm tra sẽ không thể phát hiện được.

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân sập bẫy - 3

Thượng tá Lại Minh Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Hải Nam).

Một yếu tố khác tạo ra sự khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này nằm ở tài khoản ngân hàng.

Chia sẻ về yếu tố này, Thượng tá Lại Minh Tiến - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang - cho biết việc các ngân hàng "thả lỏng" trong việc đăng ký mới tài khoản ngân hàng, đặc biệt là đăng ký tài khoản trực tuyến, chính là một trong những "lỗ hổng lớn" để tội phạm lợi dụng.

Thực tế, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, đã có 2 bị can bị Công an Bắc Giang khởi tố hình sự về hành vi làm giả CCCD. Chính những căn cước bị làm giả này đã rơi vào tay những đối tượng lừa đảo để chúng mở tài khoản ngân hàng.

Theo Thượng tá Lại Minh Tiến, tài khoản ngân hàng là công cụ cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng sử dụng để luân chuyển tiền qua nhiều nơi, thậm chí ra nước ngoài.

Cuộc đấu tranh lâu dài

Giám đốc Công an Bắc Giang cho rằng, cuộc chiến với tội phạm lừa đảo qua mạng hay tội phạm công nghệ cao sẽ là cuộc đấu tranh lâu dài, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn là của thế giới.

Theo Đại tá Toản, những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cho cơ quan chức năng là phải có sự nhận diện sớm - đúng, để có phương án phòng ngừa, tổ chức đấu tranh.

Ông cho biết thời gian qua, cơ quan nhà nước đã rất nỗ lực trong các biện pháp quản lý, như các quy định về bảo vệ dữ liệu, tài khoản chính chủ... cùng với những chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Tuy nhiên, Đại tá Toản nhận định trong tương lai, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng sẽ không dừng lại. Chúng sẽ đi cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, sẽ còn hoạt động dựa vào những sơ hở khi công tác quản lý Nhà nước không theo kịp thực tiễn và đặc biệt là lợi dụng 3 yếu tố tâm lý cố hữu của người dân như đã nêu trên.

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân sập bẫy - 4

Tỉnh Bắc Giang nhiều lần kịp thời ngăn chặn các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng (Ảnh: Công an Bắc Giang).

"Tội phạm mạng giống như Covid-19. Chúng ta có loại vaccine nào thì con virus lại có biến thể khác. Tội phạm cũng vậy, chúng luôn thích nghi và có các biện pháp để đối phó với cơ quan chức năng.

Ông cho rằng đây là một thách thức rất lớn và nhấn mạnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, làm sao phải theo kịp sự phát triển của xã hội, của công nghệ.

Ngoài ra, theo Giám đốc Công an Bắc Giang, để đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua mạng, công tác căn cơ, rất quan trọng, là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, mỗi người phải có ý thức cảnh giác với tội phạm.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng những quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm hướng đến một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, phòng ngừa những hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm hại đến quyền, lợi ích của công dân.

Chia sẻ về kết quả đạt được của Công an tỉnh Bắc Giang trong đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua mạng thời gian qua, Đại tá Nguyễn Quốc Toản nhắc đến "3 nét lớn".

Đầu tiên, theo ông Toản, công an tỉnh đã nhận diện sớm, nhận diện đúng những diễn biến tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, khi lực lượng công an luôn chủ động, hành động sớm, xuyên suốt từ Bộ Công an xuống đến các địa phương. Việc nhận diện được tội phạm là bước quan trọng để tổ chức công tác phòng ngừa và đấu tranh.

Thứ hai, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều nội dung tuyên truyền, phòng ngừa cơ bản hướng đến nhiều đối tượng tuyên truyền, từ những cán bộ nhà nước, đảng viên, học sinh cho đến những người hưu trí.

Trò lừa đảo cũ rích và 3 tâm lý cố hữu khiến nạn nhân sập bẫy - 5

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Công an tỉnh Bắc Giang đã nhận diện sớm, nhận diện đúng diễn biến tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao (Ảnh: B.G.).

Thứ ba, Đại tá Toản cho biết công an tỉnh đã tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác tham mưu nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước như vấn đề về tài khoản ngân hàng, SIM điện thoại, tiền ảo.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng đã tập trung điều tra, xử lý nhiều vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.

"Kết quả đạt được là nỗ lực rất lớn của lực lượng. Thời gian qua, anh em phá rất nhiều vụ án quan trọng, có vụ án với số lượng bị hại và tiền bị chiếm đoạt rất lớn", Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Theo công an tỉnh, năm 2023, địa bàn tỉnh xảy ra 58 vụ việc liên quan đến tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trong đó có 42 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng. Trong đó, tội phạm lừa đảo với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng có 14 vụ, tuyển cộng tác viên online 13 vụ, đầu tư tài chính 10 vụ.