1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn "sập bẫy"

Trần Lê

(Dân trí) - Mặc dù công an đã nhiều lần cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người "sập bẫy" bởi những hình thức lừa đảo cũ.

Ngày 6/10, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, gần đây, tại thành phố Thanh Hóa xuất hiện tình trạng công dân trên địa bàn thành phố nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các đối tượng tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Thanh Hóa.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là sử dụng điện thoại, giả danh cán bộ Đội CSGT Công an thành phố Thanh Hóa, gọi đến thuê bao di động hoặc điện thoại bàn của người dân, thông báo việc vi phạm có liên quan đến xử phạt nguội về giao thông, đăng ký xe trên ứng dụng dịch vụ công và các lĩnh vực liên quan đến lực lượng CSGT đang xử lý.

Thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy - 1

Công an Thanh Hóa cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo cũ (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Trong quá trình trao đổi, các đối tượng dẫn dắt, gây sức ép tâm lý, làm cho nạn nhân hoang mang, lo sợ nhằm khai thác thông tin cá nhân.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và gửi trong các tài khoản ngân hàng, chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với lý do phục vụ xác minh, điều tra, xử lý.

Nạn nhân được đối tượng lừa đảo yêu cầu không nói với gia đình, kể cả với nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền.

Theo Công an Thanh Hóa, đây là phương thức, thủ đoạn cũ, đã được cơ quan công an khuyến cáo nhiều lần, tuy nhiên vẫn nhiều người dân "sập bẫy".

Công an Thanh Hóa khẳng định, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được CSGT gửi thông báo bằng văn bản, yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có), đến trụ sở công an để giải quyết.

Lực lượng CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người dân có thể gọi đến số điện thoại của trực ban của lực lượng công an để được hướng dẫn, giải đáp.

Công an Thanh Hóa khuyến cáo, khi nhận được các cuộc gọi này, người dân nhanh chóng đến trình báo tại cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, số căn cước công dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email...) cho bất kỳ ai, với bất kỳ hình thức nào.