Lừa đảo qua mạng: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
(Dân trí) - Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối dư luận. Mặc dù những thủ đoạn các đối tượng sử dụng đã quá quen thuộc nhưng số người mắc bẫy không hề giảm.
Những cuộc tình xuyên biên giới
Lợi dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) Ihugba Augustine Chinonso (sinh năm 1986, quốc tịch Nigeria), Onu Chinonso Peter (sinh năm 1985, cùng quốc tịch Nigeria) và một số đồng phạm chủ động kết bạn với phụ nữ Việt. Sau đó, những thanh niên này đặt vấn đề tình cảm và đề cập việc gửi tiền, quà từ nước ngoài về tặng nạn nhân.
Các đối tượng ở nước ngoài này cấu kết với đồng phạm người Việt Nam giả danh nhân viên công ty vận chuyển, cán bộ hải quan, công an… Rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền trước khi nhận quà. Không chỉ vậy, nhóm tội phạm nhắn tin, gửi mail giả thông báo trúng thưởng rồi đề nghị bị hại chuyển tiền vào tài khoản do nhóm này dùng giấy tờ giả đăng ký. Vì ham lợi và cả tin, không ít người sập bẫy.
Cụ thể, tháng 1/2016, bà Ngô Thị Hồng C. quen biết một thanh niên nước ngoài, tự nhận mình là người Anh, qua facebook. Thanh niên này đã dùng thủ đoạn nêu trên lừa bà C. gửi hơn 27 triệu đồng cho một "nhân viên vận chuyển", 80 triệu đồng cho "nhân viên hải quan" để được nhận quà "khủng". Đến lúc được một "cảnh sát kinh tế" báo phải đóng 200 triệu đồng mới được nhận hàng thì quý bà này mới nghi ngờ mình bị lừa và báo công an.
Với việc lừa cả tình lẫn tiền, Ihugba Augustine Chinonso bị phạt 16 năm tù và Onu Chinonso Peter 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trò diễn làm quen xuyên biên giới rồi gửi quà, lừa tiền của phụ nữ diễn ra khá phổ biến. Trước đây, các đối tượng nghiên cứu nhằm vào các phụ nữ thành đạt, đơn thân để lừa đảo. Giờ các "con mồi" mà các đối tượng nhằm vào rất đa dạng, từ cô công nhân may đến các quý bà. Tất cả đều xuất phát từ trò làm quen trên mạng của những người đàn ông nước ngoài, sau đó là viễn tưởng về cuộc sống hôn nhân hay vì "thùng hàng có triệu đô" gửi về từ người đàn ông nước ngoài làm quen trên mạng ấy…
Giả danh cơ quan tố tụng
Một trong những chiêu mà các đối tượng lừa đảo qua mạng thường xuyên thực hiện là giả danh cơ quan tố tụng gọi điện thoại, đưa ra các thông tin không đúng sự thật để uy hiếp các nạn nhân chuyển tiền.
Khoảng tháng 1/2018, 2 đối tượng có tên Hồng Trà, Tiểu Lâm (chưa rõ lai lịch) đã câu kết với Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta cùng nhiều đối tượng người Đài Loan và Việt Nam dùng thủ đoạn giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại đến những người bị hại, rồi đưa thông tin họ liên quan đến phạm tội, đe dọa bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chúng kiểm tra. Sau khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định thì Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm rút ra chia nhau sử dụng vào mục đích cá nhân.
Khoảng 13h ngày 19/1/2018, bà Cam Thị Bích N. (ngụ Quận 7, TPHCM) nhận được cuộc gọi vào số máy bàn của gia đình, đối tượng giả danh là Công an TP Hà Nội, thông báo bà N. đang nợ tiền ngân hàng và liên quan tới việc lừa đảo trên hệ thống ngân hàng, tiền trong tài khoản của bà N. là tiền của ngân hàng. Tiếp đó, đối tượng liên tục gọi điện thoại đe dọa khởi tố, bắt giam, yêu cầu bà N. phải ra Hà Nội làm việc và chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra.
Trước sự đe dọa của các đối tượng giả danh công an nên bà N. đã làm theo yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định. Sau khi nhận được tiền của bà N., các đối tượng đã rút chia nhau. Số tiền bà N. bị chiếm đoạt là 399 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn tương tự, Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm đã thực hiện trót lọt 18 "phi vụ" chiếm đoạt số tiền 10,7 tỷ đồng. Với hành vi của mình, Pan Chu Lin và Chiu Po Sung bị phạt 13 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài các thủ đoạn trên thì việc lừa đảo qua mạng còn một số thủ đoạn như gửi tiền làm từ thiện, lừa đảo trúng thưởng, thương mại điện tử… Trước tình hình lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp thì người dân cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan công an để tránh trở thành nạn nhân. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân… cho bất kỳ ai không quen biết.
Theo một Kiểm sát viên công tác tại TPHCM, phần lớn nạn nhân bị tiếp cận khi đã lộ thông tin cá nhân. Các đối tượng lừa đảo dễ dàng nắm bắt thông tin về thói quen, quê quán, thậm chí cả giấy tờ cá nhân nên thuyết phục được những người thiếu cảnh giác. Việc xử lý các vụ lừa đảo qua mạng khá khó khăn do đa phần tội phạm lừa đảo ở nước ngoài, có cả người nước ngoài. Ngay cả những vụ bắt được tội phạm cũng không thể thu hồi khoản tiền đã mất.
Bên cạnh đó, vị Kiểm sát viên này cho biết mức xử lý cũng chưa đủ răn đe nên hình thức lừa đảo này vẫn tiếp tục diễn ra. Người dân chỉ còn cách phải nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân, cẩn trọng khi giao dịch điện tử.