DNews

Những "đại án" kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Năm 2024, nhiều "đại án" kinh tế, tham nhũng,... được đưa ra xét xử. Trong đó, hàng loạt cán bộ lãnh đạo vi phạm bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc.

Những "đại án" kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024

Vụ án Công ty Việt Á

Tháng 1, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong đại án Việt Á, liên quan việc nâng khống giá kit xét nghiệm thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Tại phiên tòa sơ thẩm, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị tuyên phạt 18 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh lĩnh án 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Còn ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lĩnh án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á) lĩnh án 29 năm tù; Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận mức án 14 năm tù.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 1

Bị cáo Chu Ngọc Anh được dẫn giải đến phiên tuyên án sơ thẩm chiều 12/1 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đặc biệt, đối với ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương) được tòa sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 30 tháng tù treo đến 

Sau bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo.

Đến tháng 5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm, quyết định giảm án cho ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) còn 17 năm tù.

Nội dung vụ án thể hiện, đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó có giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 2

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Nguyên Phương).

Khi đó, Phan Quốc Việt đã đặt vấn đề thống nhất với Trịnh Thanh Hùng về việc giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả Đề tài để sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.

Quá trình tiêu thụ kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp hoặc chỉ đạo đưa hối lộ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.

Bằng việc "thổi giá" kit xét nghiệm lên gấp nhiều lần, được Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng đánh giá vụ án Việt Á là điển hình cho lợi ích nhóm và thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phong tỏa, thu hồi tài sản tổng trị giá 1.400 tỷ đồng.

Vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Tháng 3, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mức án 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sang tháng 9, tòa án cấp phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo đã giảm án cho ông Dũng còn 7 năm tù.

Cùng vụ án, 12 bị cáo khác bị tòa phạt tù treo đến mức cao nhất 36 tháng tù giam.

Nội dung vụ án thể hiện, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của Covid-19 nên khó khăn về tài chính. Tập đoàn này có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng.

Vào tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.

Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 3

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tại phiên tuyên án sơ thẩm chiều 27/3 (Ảnh: Nam Phương).

Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.

Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng.

Số tiền huy động được, Chủ tịch Tân Hoàng Minh và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ án đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng và hiện số tiền này đã được giao nộp để hoàn trả cho các bị hại. Tính đến nay, hơn 8.600 tỷ đồng trong vụ án đã được chuyển giao và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cơ bản đã hoàn thành khắc phục, trả lại cho bị hại.

Vụ án Vạn Thịnh Phát

Sau hơn 1 tháng xét xử, đến tháng 4, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên án 86 bị cáo trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, cùng các đơn vị liên quan.  

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên nữ đại gia Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) án tử hình cho 3 tội danh là Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vụ án, bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) bị tuyên án tù chung thân. Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB.

Đến tháng 11/2024, HĐXX cấp phúc thẩm TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng cáo, y án với bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 4

Bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Ở giai đoạn 1, cơ quan tố tụng cáo buộc, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm tại SCB giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc, lãi.

Giai đoạn 2, tòa án kết luận bà Trương Mỹ Lan bàn với các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… phát hành 25 mã trái phiếu "khống" với tổng khối lượng gần 308.691.390 trái phiếu, bán và chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của hơn 35.820 bị hại.

Ngoài ra, bà Lan đã chỉ đạo các cá nhân thuộc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB 445.748 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến 2022, thông qua các hợp đồng khống với doanh nghiệp nước ngoài, bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới 4,5 tỷ USD.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền đang tạm giữ trong tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TPHCM do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển và do cá nhân, tổ chức nộp tại Cục là hơn 4.250 tỷ đồng và 27 triệu USD (tương đương 685 tỷ đồng).

Vụ án tại Tập đoàn FLC

Đầu tháng 8, tại phiên tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 năm tù tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hình phạt 21 năm tù.

Cùng tội danh, 2 em gái của Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, lần lượt lĩnh án 14 năm tù và 8 năm tù.

47 bị cáo còn lại (có nhiều người thân của ông Quyết) lĩnh các mức án từ tù treo đến 11 năm tù giam. Ông Quyết cùng nhiều người có đơn kháng cáo, đang chờ Tòa cấp cao giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 5

Bị cáo Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bản án sơ thẩm thể hiện, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Đến nay, ông Trịnh Văn Quyết và gia đình đã nộp khắc phục hơn 600 tỷ đồng.

Vụ án Công ty AIC "thông thầu" tại tỉnh Bắc Ninh

Đầu tháng 11, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt ông Nguyễn Nhân Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) 4 năm 6 tháng và Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) 3 năm tù về tội Nhận hối lộ. Riêng Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị tuyên 13 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Cùng tội danh Nhận hối lộ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế (Sở Y tế Bắc Ninh) 42 tháng tù; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh 24 tháng tù. Gần 10 bị cáo còn lại lĩnh án từ 18 tháng tù đến 30 tháng tù.

Theo cáo buộc, quá trình thực hiện đấu thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 6 dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh các bị cáo thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá đã có những hành vi vi phạm pháp luật.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 6

Bị cáo Nguyễn Nhân Chiến tại phiên xét xử (Ảnh: Xuân Hòa).

Việc làm sai trái của các bị cáo đã giúp Công ty AIC và các công ty thuộc nhóm Công ty Sông Hồng trúng thầu 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại các dự án bệnh viện đa khoa tuyến huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 48,6 tỷ đồng.

Cụ thể, để đạt được mục đích thu lợi bất chính thông qua việc trúng thầu trái pháp luật, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đưa hối lộ cho những người có chức vụ, quyền hạn là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh tổng số 4,1 tỷ đồng.

Trong đó, bà Nhàn đưa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến 3 tỷ đồng; đưa cho cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh 1 tỷ đồng,...

Cơ quan truy tố cáo buộc tổng số tiền cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nhận hối lộ trong vụ án này là 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, bà Nhàn còn nhiều lần đưa quà và tiền cho ông Nguyễn Nhân Chiến, tổng giá trị là 10 tỷ đồng; Nguyễn Tử Quỳnh nhận tổng cộng 8,1 tỷ đồng.

Vụ án Xuyên Việt Oil

Cuối tháng 11, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các cơ quan liên quan.

Trong đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) lĩnh 30 năm tù về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ; ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận 3 năm tù về tội Nhận hối lộ; ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) nhận 28 năm tù về hai tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

12 bị cáo còn lại lĩnh án từ 1 năm 6 tháng tù treo đến 7 năm tù.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 7

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Cơ quan tố tụng đánh giá, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại công ty, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bà Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.463 tỷ đồng.

Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng. Để được tạo điều kiện hoặc không bị xử lý các hành vi vi phạm, bà Hạnh đã trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho một số quan chức. 

Trong đó, ông Đỗ Thắng Hải nhận 1,1 tỷ đồng để giúp cho Công ty Xuyên Việt Oil; ông Lê Đức Thọ nhận hối lộ hơn 13,8 tỷ đồng.

Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cuối tháng 12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Che giấu tội phạm.

Trong đó, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 5 năm tù về tội Nhận hối lộ, tổng hình phạt 12 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cùng bị phạt 2 năm tù về tội Nhận hối lộ. Đối với 14 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt từ 12 tháng tù treo đến 3 năm 6 tháng tù.

Những đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2024 - 8

Bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Nguyễn Hải).

Nội dung vụ án thể hiện, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.

Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.

Một số cá nhân đã trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ, nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.

Trong đó, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay.

Ông Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay khác.