1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những đại án nghìn tỷ sắp tổ chức thi hành án ở Hà Nội

Thế Kha

(Dân trí) - Cục Thi hành án dân sự Hà Nội dự kiến sẽ thi hành các đại án như vụ Việt Á hơn 1.100 tỷ đồng, vụ Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam giai đoạn 2; vụ Tập đoàn FLC với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, năm 2025 dự báo các cơ quan thi hành án ở Hà Nội tiếp tục thụ lý các đại án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như vụ Công ty CP công nghệ Việt Á với hơn 1.100 tỷ đồng; vụ Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam giai đoạn 2; vụ án ở Tập đoàn FLC với gần 28.000 bị hại, số tiền gần 2.000 tỷ đồng…

Trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng tăng, tính chất phức tạp, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã yêu cầu lực lượng bám sát kế hoạch, triển khai hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ được giao.

Những đại án nghìn tỷ sắp tổ chức thi hành án ở Hà Nội - 1

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, được dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8 vừa qua (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cơ quan này sẽ tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các chi cục thi hành án trong giải quyết hồ sơ thi hành án, nhất là với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc có điều kiện trên một năm chưa thi hành xong, có giá trị lớn, dư luận xã hội quan tâm.

"Không để xảy ra tình trạng không tác nghiệp đối với hồ sơ có điều kiện thi hành án. Trường hợp thủ trưởng các đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát không chặt chẽ để chấp hành viên chậm thi hành hoặc không tác nghiệp đúng quy trình thi hành án sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Cục Thi hành án dân sự Hà Nội chỉ đạo với cấp dưới.

100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản được yêu cầu phối hợp với viện kiểm sát cùng cấp kiểm soát chặt chẽ. Nếu để xảy ra sai phạm thì chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan cùng chịu trách nhiệm.

"Nghiêm cấm chấp hành viên có các hành vi không đúng quy định với tổ chức bán đấu giá tài sản, sàn giao dịch bất động sản và các đối tượng liên quan nhằm thông đồng, dìm giá trong bán đấu giá để trục lợi", cơ quan thi hành án nhấn mạnh.

Việc tổ chức thi hành các vụ liên quan đến tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo cần được kiểm soát chặt chẽ.  Các cơ quan thi hành án được chỉ thị phải bố trí, sắp xếp chấp hành viên đủ bản lĩnh, năng lực, trình độ, kinh nghiệm trong tổ chức thi hành án.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm khắc đối với các công chức vi phạm kỷ luật, có hành vi nhũng nhiễu, gây kéo dài việc tổ chức thi hành án vì động cơ mục đích không trong sáng.

Như Dân trí thông tin trước đó, năm 2024 Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phải thi hành hơn 72.400 việc với hơn 96.700 tỷ đồng, đến nay đã giải quyết xong hơn 46.900 việc/hơn 25.000 tỷ đồng.

"2 năm gần đây, nhiều vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước có khó khăn, vướng mắc, vi phạm, bị khiếu nại, tố cáo, bức xúc kéo dài được nhiều cơ quan các cấp và dư luận quan tâm đã được giải quyết xong dứt điểm, đúng quy định để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội ở địa phương; như vụ Khánh Dần ở huyện Thạch Thất, vụ Sang Tính ở huyện Thường Tín, vụ Chúc Tỉnh và vụ Chợ Sáng ở quận Nam Từ Liêm, vụ Mệ Chí ở huyện Phúc Thọ", Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thông tin.

Tại bản án sơ thẩm hồi tháng 8, TAND Hà Nội đánh giá cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, hưởng lợi phần lớn số tiền gây thiệt hại 4.300 tỷ đồng nên phải chịu mức án nặng nhất trong 50 bị cáo là 21 năm tù.

Theo bản án, 25.853 nhà đầu tư là những người đã bỏ tiền mua cổ phiếu ROS mà không biết ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của mình. Tội phạm đã hoàn thành vào thời điểm các bị cáo chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Vì vậy, tòa cho rằng hơn 25.800 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS bán ra lần đầu như đã nêu trên được xác định là bị hại.

Ông Trịnh Văn Quyết được viện kiểm sát ghi nhận đã nộp khắc phục 237 tỷ đồng, khoảng 5% thiệt hại vụ án (hơn 4.300 tỷ đồng). Các bị cáo khác trong vụ án này đã nộp khắc phục tổng cộng 6 tỷ đồng.