1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Người nhận 5,2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan xin giảm án để về chữa bệnh

Xuân Duy

(Dân trí) - Bà Đỗ Thị Nhàn trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ và xin tòa xem xét, khoan hồng cho bị cáo sớm trở về để có điều kiện chữa bệnh.

Ngày 21/11, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức liên quan, tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho các bị cáo trong nhóm cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, phần lớn các luật sư trình bày những tình tiết như nhân thân tốt, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trong nhóm các bị cáo từng là cán bộ công tác tại Ngân hàng Nhà nước có bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước).

Người nhận 5,2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan xin giảm án để về chữa bệnh - 1

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo bản án cấp sơ thẩm, bà Đỗ Thị Nhàn có 4 lần nhận hối lộ từ bị cáo Trương Mỹ Lan với số tiền 5,2 triệu USD, để chỉ đạo cấp dưới báo cáo, tổng hợp và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không phản ánh đúng thực trạng tài chính, làm giảm đi các sai phạm của SCB.

Với hành vi trên, bà Nhàn bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Nhận hối lộ. Cho rằng phán quyết trên là quá nghiêm khắc, người phụ nữ này kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.

Phát biểu quan điểm kết luận về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án tù chung thân đối với bà Nhàn.

Bào chữa cho bị cáo Nhàn, luật sư cho biết tại cấp sơ thẩm, đại diện VKS đã đề xuất áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ, nhưng tòa chỉ áp dụng tình tiết người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ còn lại.

Do đó, tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư của bà Nhàn đề nghị HĐXX xem xét áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ, như: người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

Giải thích về đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ này, luật sư cho biết ngay từ khi bị bắt, bị cáo Nhàn đã nhận thức được hành vi sai trái của mình. Tại thời điểm đó, bà Nhàn đã có đơn thú tội và hỗ trợ cơ quan điều tra xem xét những sai phạm, thực trạng tại SCB.

Bên cạnh đó, sau phiên tòa sơ thẩm cho đến nay, ngoài việc đã nộp đủ 5,2 triệu USD khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, bị cáo Nhàn đã nộp thêm 1 tỷ đồng, dù bản án sơ thẩm không tuyên buộc. Điều này thể hiện sự nỗ lực, ăn năn và chuyển biến về nhận thức của bị cáo Nhàn.

Qua đó, luật sư không đồng tình với quan điểm của đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm, khi cho rằng, bị cáo Nhàn có ăn năn hối cải và nộp khắc phục hậu quả, nhưng không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ.

Luật sư của bà Nhàn cũng đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Nghị Quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định về đường lối xử lý, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, trong xử lý đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ, trong trường hợp này để xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bà Nhàn.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nhàn xin HĐXX ghi nhận sự cống hiến tận tâm, tận lực trong gần 30 công tác ngành ngân hàng.

Bị cáo Nhàn trình bày về thời điểm thanh tra SCB, đã báo cáo đầy đủ sai phạm, thực trạng tại SCB. Từ khi bị bắt, bà đã nhận thức có sai phạm nên khắc phục hậu quả từ đầu. Bên cạnh đó, bà Nhàn đang có nhiều bệnh mãn tính, ở cấp tòa sơ thẩm đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng tình tiết này chưa được chấp nhận.

"Bị cáo cả một đời cống hiến nhưng bị hủy bỏ bởi một lần sai phạm. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo sớm trở về với gia đình, để điều trị bệnh", bị cáo Nhàn nói.