1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ án EPCO - Minh Phụng "chiếm sóng" ở phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan

Xuân Duy

(Dân trí) - Trong phần bào chữa tại phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, luật sư nêu lại vụ án Tăng Minh Phụng - EPCO và đề nghị "tránh vết xe đổ" về khắc phục hậu quả vụ án.

Chiều 18/11, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. HĐXX dành thời gian để các luật sư bào chữa cho những bị cáo từng là lãnh đạo chủ chốt tại SCB.

Theo đó, các luật sư trình bày nguyên nhân, bối cảnh phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Vụ án EPCO - Minh Phụng chiếm sóng ở phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan - 1

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), luật sư Lê Hồng Nguyên (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, bà Trương Mỹ Lan là người chi phối mọi hoạt động tại SCB.

Theo ông Nguyên, tại SCB, bị cáo Văn không trực tiếp nhận chỉ đạo từ bà Lan mà thông qua những cán bộ khác. Đồng thời, người bào chữa khẳng định thân chủ của mình chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi từ hành vi sai phạm.

Bản án sơ thẩm cho rằng, do không có tiền thanh toán các khoản vay trước, bà Lan chỉ đạo tạo lập hồ sơ cho các khoản vay sau, mục đích là đảo nợ nên ngày càng phát sinh thêm phần lãi.

Vụ án EPCO - Minh Phụng chiếm sóng ở phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan - 2

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa sơ thẩm. (Ảnh: Hoàng Hùng).

Về nội dung trên, luật sư Lê Hồng Nguyên nói rằng chính bản án cũng xác định dòng tiền không ra khỏi ngân hàng, chỉ là đảo nợ bằng giấy sao lại cáo buộc bị cáo Văn giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tài sản của SCB.

Về phần dân sự, ông Nguyên không đồng ý đề nghị của VKSND Cấp cao tại TPHCM là giao một số tài sản cho SCB xử lý.

"Nếu chiếm đoạt 1 ô tô có thể giao xe đó cho bị hại nhưng trong vụ án này là tiền nên không thể giao tài sản của bị cáo cho SCB xử lý thu hồi tiền bị chiếm đoạt được", luật sư Lê Hồng Nguyên nói.

Giải thích thêm, ông Nguyên nói hiện SCB chưa có để giải quyết tài sản phát sinh ra lãi nên ngân hàng này không thể tiếp tục giữ các tài sản vụ án để khắc phục hậu quả như đề nghị của đại diện cơ quan công tố.

Để chứng minh thêm lập luận của mình, luật sư Nguyên dành khá nhiều thời gian nêu câu chuyện của vụ án Tăng Minh Phụng - EPCO trước đây.

Luật sư Lê Hồng Nguyên nói, vụ án Vạn Thịnh Phát này có phần giống vụ án Minh Phụng - EPCO ở phần dân sự. Ở vụ án trước, tòa án ra phán quyết giao khối tài sản khổng lồ cho ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong nợ.

Theo ông Nguyên, vụ Minh Phụng - EPCO có tổng số nợ hơn 6.000 tỷ đồng. Tài sản là nhà xưởng, máy móc được giao cho ngân hàng xử lý. Vụ án đã 20 năm qua vẫn chưa khắc phục được hậu quả vì việc giao tài sản cho ngân hàng nhưng không đem bán đấu giá, ngân hàng không có cơ chế xử lý nên không hiệu quả trong việc khắc phục hậu quả.

Tiếp đó, luật sư trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ như đang nuôi 6 con nhỏ, vợ bị bệnh nặng, gia đình có công với cách mạng, thành khẩn khai báo. Từ đó, người bào chữa đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Văn.

"Tôi đề nghị tài sản vụ án này không giao cho SCB mà giao cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật", luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn trình bày trong phần bào chữa.

Cuối phần bào chữa, luật sư Nguyên nói với tư cách là một công dân, đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc, đánh giá các tình tiết trong vụ án để có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ ngày 18/11/2013 đến ngày 11/12/2017, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hợp thức 290 hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho SCB 60.502 tỷ đồng. Hành vi này phạm vào tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Văn còn bị cáo buộc từ ngày 9/2/2018 đến ngày 25/7/2020 đã ký hợp thức 348 hồ sơ vay vốn, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 192.434 tỷ đồng. Hành vi này phạm vào tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.

Với hành vi trên, Văn bị TAND TPHCM tuyên phạt án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sau phán quyết trên, bị cáo Văn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Văn thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt để trở về làm lại cuộc đời.

Trong phần kết luận, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Văn 15-16 năm tù (giảm 1-2 năm tù) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và y án chung thân về tội Tham ô tài sản.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này bà Lan bị xác định gây thiệt hại cho SCB 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Hồi tháng 4, TAND TPHCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Lan mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ, Tham ô tài sản; buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại cho SCB.

Sau phán quyết trên, bà Lan kháng cáo xin được sống và nộp thêm hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Tại tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan mức án tử hình.