Luật sư của bà Trương Mỹ Lan xin cho thân chủ được sống
(Dân trí) - Bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, các luật sư cho rằng nếu nữ bị cáo này có cơ hội được sống sẽ giúp bà nhận ra lỗi lầm, tìm phương pháp khắc phục hậu quả.
Chiều 15/11, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo cùng một số người liên quan tiếp tục phần tranh luận.
Trong buổi làm việc sáng nay, nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM đánh giá hành vi của bà Lan là đặc biệt nghiêm trọng. Bà Lan là chủ mưu, cầm đầu, cùng lúc phạm 3 tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ.
Hành vi của bị cáo Lan tác động xấu đến hoạt động ngân hàng, mất an ninh trật tự, hoang mang dư luận và mất niềm tin của nhân dân.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ và 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tự bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày hàng loạt tình tiết giảm nhẹ và xin HĐXX xem xét cho bà về cáo buộc tội Tham ô tài sản. Đồng thời, bà chủ Vạn Thịnh Phát cam kết bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án.
"Khi nghe VKS tiếp tục giữ mức hình phạt tử hình, bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn. Suốt 10 năm qua, bị cáo đã cống hiến rất nhiều cho Ngân hàng SCB và không có ý định chiếm đoạt tiền SCB", bà Lan nói.
Luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan cho rằng, nếu HĐXX giảm án cho bà Trương Mỹ Lan, cho bị cáo cơ hội sống sẽ giúp người phụ nữ này nhận ra được lỗi lầm, nhận được sự khoan hồng, tính nhân đạo của pháp luật, bà Lan sẽ tìm phương pháp khắc phục hậu quả.
Người bào chữa cho bà chủ Vạn Thịnh Phát tin rằng nếu thân chủ được sống thì nhiều dự án sẽ hồi sinh.
Trong phần kết luận, đại diện VKS nói bà Lan có khắc phục hậu quả, nhưng chưa đủ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tranh luận lại quan điểm trên, luật sư nói tài sản của thân chủ đủ để bồi thường thiệt hại.
Luật sư liệt kê một loạt tài sản như 21.000 tỷ đồng trong bản án sơ thẩm buộc nhiều cá nhân, tổ chức hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan, 500 tỷ đồng nộp trong giai đoạn phúc thẩm, 172 tỷ đồng bị kê biên và nhiều tài sản chưa được định giá.
Cùng bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Phan Trung Hoài trình bày thân chủ Trương Mỹ Lan đã có sự chuyển biến về nhận thức liên quan đến yêu cầu kháng cáo, thể hiện qua việc bị cáo không kêu oan về các tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Luật sư Hoài mong HĐXX ghi nhận và xem xét thấu đáo về lịch sử của gia tộc bà Trương Mỹ Lan và sự gắn bó của vợ chồng bà với Việt Nam gần 50 năm qua.
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng bà Lan đã thay đổi nhận thức, có nhiều đóng góp xã hội, đã khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo. Từ đó, bà Trang đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Lan mức án tù chung thân.
Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB. Sau khi cấn trừ đi một số khoản vay được tất toán trong quá trình xét xử, bà Lan còn phải bồi thường cho SCB 673.000 tỷ đồng
Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.