Mỗi năm đấu tranh triệt phá trên 2.000 băng nhóm tội phạm hình sự
(Dân trí) - Trung bình hằng năm đã đấu tranh triệt phá trên 2.000 băng nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án do băng nhóm tội phạm gây ra đều được điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Phản ánh tới Bộ Công an, Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị điều tra, xử lý tình trạng “xã hội đen” núp bóng doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng “xã hội đen” cấu kết với người thực hiện công vụ thao túng, đe dọa, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Theo Bộ Công an, trong những năm qua, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” núp bóng doanh nghiệp hoạt động “tín dụng đen”, các băng nhóm, đối tượng lưu manh, côn đồ hoạt động đâm thuê, chém mướn, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng...
Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia”, kế hoạch tổng điều tra cơ bản toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm núp bóng doanh nghiệp.
“Do đó, trung bình hằng năm đã đấu tranh triệt phá trên 2.000 băng nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án do băng nhóm tội phạm gây ra đều được điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”- Bộ Công an cho hay.
Bên cạnh đó, qua công tác nghiệp vụ nắm tình hình và điều tra, xử lý tội phạm, lực lượng công an nhân dân đã phát hiện, xử lý và đề nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp có dấu hiệu “bảo kê” để doanh nghiệp và đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động.
Bộ Công an cũng đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và kịp thời thông tin cảnh báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của ngành và của Đảng, Nhà nước để nhân dân và doanh nghiệp cảnh giác phòng ngừa, trong đó có thủ đoạn băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động phạm tội (nhất là liên quan đến “tín dụng đen”) và doanh nghiệp sử dụng đối tượng côn đồ, lưu manh, thậm chí cấu kết với người thực hiện công vụ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê…
Thông qua công tác thông tin tuyên truyền, lực lượng công an cũng nhận được nhiều phản hồi, tố giác các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật từ phía người dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
“Bộ Công an mong rằng sẽ tiếp tục nhận được những phản ánh của cử tri và doanh nghiệp, nhất là những tin báo, tố giác tội phạm để kịp thời điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không để tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng hoạt động lộng hành theo kiểu xã hội đen”- Bộ Công an trả lời cử tri Gia Lai.