1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Ma trận công ty luật hành nghề đòi nợ thuê

Phi Vũ

(Dân trí) - Bằng những thủ đoạn dọa đánh bom, giết con, cắt ghép ảnh vu khống trên mạng xã hội, "nã" 3.000 cuộc điện thoại... công ty đòi nợ thuê có thể đòi về gần 1.000 tỷ đồng.

Vào trang tìm kiếm Google.com gửi đi cụm từ "Công ty đòi nợ thuê ở TPHCM", kết quả trả về trong 0,42 giây là: 12.200.000 thông tin.

Ngoài một số tin tức nóng về việc bắt giữ một số công ty đòi nợ thuê phạm pháp trong thời gian vừa qua thì hơn 12 triệu kết quả thông tin mang tới cho người xem muôn hình vạn trạng các loại hình, thông tin đòi nợ thuê và đều được định danh dưới dạng doanh nghiệp hợp quy.

Người đọc sẽ dễ dàng tìm thấy các thông tin như: Top 10 Công ty, dịch vụ đòi nợ thuê TPHCM uy tín nhất 2023; Bảng giá dịch vụ đòi nợ thuê đúng pháp luật nhanh gọn; Công ty Luật tư vấn thu hồi nợ tại TPHCM; ….

Các công ty Luật, Tài chính hành nghề đòi nợ thuê

Qua việc triệt phá một số vụ án liên quan tới hoạt động đòi nợ thuê từ cuối năm 2022 tới nay, cơ quan chức năng xác định nhiều người không có văn bằng luật nhưng thuê người đứng tên công ty luật để mượn danh nghĩa thực hiện hành vi đòi nợ thuê kiểu giang hồ.

Điển hình nhất là vụ cưỡng đoạt tài sản do Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM) cầm đầu. Cơ quan điều tra xác định bị hại của Pháp Việt ở nhiều địa phương như: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Lãnh đạo công ty này không có văn bằng chuyên ngành luật mà thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty. Nhóm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng.

Mỗi tháng Pháp Việt nhận từ các tổ chức cho vay khoảng 140.000-240.000 hợp đồng của khách vay nhưng chưa trả. Công ty sẽ phân cho các nhân viên và hướng dẫn, chỉ đạo họ đe dọa, khủng bố nhằm thu hồi tiền. Tổng số tiền Pháp Việt đã đòi được tính tới khi bị phát giác là hơn 988 tỷ đồng, hưởng phí là 25-35% tổng số tiền đòi được.

Ma trận công ty luật hành nghề đòi nợ thuê - 1

Công an khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Ảnh: CACC).

Trong tháng 2 vừa qua, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Công an TPHCM phải bố trí 120 cán bộ chiến bao vây, khám xét khẩn cấp trụ sở công ty này. Cơ quan chức năng phát hiện Pháp Việt sử dụng tới 233 CPU cùng hơn 300 điện thoại làm phương tiện khủng bố, đòi nợ.

Các bị can là lãnh đạo công ty, tổ chức cầm đầu việc đòi nợ thuê đều khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động dưới hình thức công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cùng là Phó giám đốc công ty cầm đầu.

Trước đó, tháng 12/2022, Công an TPHCM cũng triệt phá vụ "vu khống" để đòi nợ tại Công ty Luật TNHH Power Law ở quận 12. Power Law có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay để thu hồi nợ. Thời điểm kiểm tra, công an phát hiện hàng chục nhân viên gọi điện đe dọa, chửi bới người vay tiền để đòi nợ khoảng 300 bị hại trên cả nước.

Theo đó, hàng ngày, các nhân viên nhận danh sách khách hàng nợ từ các trưởng nhóm rồi dùng các thủ đoạn đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, vu khống... Họ được hưởng 35-50% trên tổng số tiền nợ đòi được.

Giữa tháng 11/2022, Công an TPHCM cũng phát hiện một ổ nhóm chuyên cắt ghép hình ảnh để vu khống, khủng bố nhằm đòi nợ bằng hình thức Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (ở quận 4).

Hai doanh nghiệp đòi nợ thuê khác là Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty TNHH luật Thế Hệ Trẻ (đều ở quận Tân Bình) cũng bị xác định đã mua hồ sơ người vay tiền từ một công ty tài chính có trụ sở ở Hà Nội. Mỗi tháng, nhân viên của hai công ty này gọi khoảng 3.000 cuộc gọi khủng bố, đòi được 2-3 tỷ đồng.

Cẩm nang nỗi sợ của khách vay

Khách vay bị giăng lưới bởi sự hấp dẫn của ma trận tín dụng đen để rồi sau đó dính bẫy nợ và bị tra tấn bởi mạng lưới đòi nợ thuê.

Chiêu thức trọng yếu mang lại hiệu quả cho việc đòi nợ mà các tổ chức, công ty đòi nợ thuê xác định là tìm được trúng càng nhiều nỗi sợ của khách vay càng tốt. Số điện thoại di động, mạng xã hội với phương thức lan truyền hình ảnh, âm thanh dễ, rộng nhất là đòn trí mạng mà các công ty đòi nợ thuê nhắm đến.

Trên trang mạng xã hội cá nhân của mỗi khách vay là mạng lưới người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Tất cả tự trọng của một người có thể tấn công dễ dàng qua kênh này.

Chính vì thế Công ty Luật TNHH Power Law đã tổ chức hàng trăm người cắt ghép ảnh vu khống, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ.

Hay khi khám xét trụ sở Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty Luật Thế hệ trẻ, cơ quan điều tra thấy 55 máy tính để bàn, 37 điện thoại các loại có chứa nhiều dữ liệu, thông tin quan trọng về việc đòi nợ thuê. Các công ty lập cả "cẩm nang tìm nỗi sợ của khách hàng".

Thủ đoạn của băng nhóm đòi nợ thuê trong hình hài công ty luật rất đa dạng. Như với Công ty luật TNHH Pháp Việt, ban đầu, nhân viên sẽ gọi điện thoại đến những nơi có liên quan đến con nợ như: các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm... rồi đe dọa giết vợ, con, người thân. Khi cần, họ nâng cấp thành đưa quan tài, bình gas đến nhà con nợ để đe dọa tinh thần, dọa gây nổ cơ quan của các con nợ hoặc người thân của họ để buộc trả tiền.

Do việc đòi nợ thuê thu lợi nhuận lớn nên lãnh đạo doanh nghiệp này yêu cầu thành viên công ty không từ một thủ đoạn nào, miễn sao nạn nhân phải trả tiền.

Thuê người tạt nước sơn, gây rối trật tự cũng nằm trong cẩm nang các thủ đoạn đòi nợ thuê mà nhiều tổ chức đòi nợ thuê như Công ty TNHH Hào Gia Nghi ở Bến Tre sử dụng.

Thu nhập hấp dẫn

Khi điều tra vụ án ở Công ty Luật TNHH Power Law, cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp này chuyên thu mua nợ xấu của các ngân hàng, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng, các app cho vay… Sau đó, phía công ty tổ chức hàng trăm nhân viên thu hồi nợ và quy định họ được hưởng 25-30% từ khoản tiền đòi được.

Vì đơn hàng đòi nợ luôn dồi dào, Công ty Luật TNHH Power Law liên tục đăng tuyển dụng nhân viên thu hồi nợ qua điện thoại, với hứa hẹn thu nhập 10-30 triệu đồng/ tháng, không cần kinh nghiệm.

Hay như với vụ án ở Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty TNHH luật Thế Hệ Trẻ, việc thu hồi nợ được trả 86% số nợ đòi, vì vậy có thể thu hút nhân lực trẻ, không nghề nghiệp ổn định, không trình độ và thiếu hiểu biết.

Hai công ty trên tổ chức bộ phận thu hồi nợ, tuyển dụng nhiều nhân viên để thực hiện hoạt động thu hồi nợ bằng cách: phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên theo từng cấp bậc rồi áp đặt chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng hoa hồng theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi.

Ma trận công ty luật hành nghề đòi nợ thuê - 2

Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Tiền Giang đã được huy động để bảo vệ hiện trường khám xét Chi nhánh Công ty Luật TNHH Pháp Việt trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú sáng ngày 27/2 (Ảnh: VTV).

Ai được quyền đòi nợ hợp pháp?

Theo luật sư Hoàng Lê Khánh Linh (Công ty Luật Minh Khuê), quy định tại Luật Luật sư chỉ rõ, chỉ các tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư) mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề trong lĩnh vực này (luật sư) phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp.

Dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định tại Điều 4 Luật Luật sư bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Luật Luật sư nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung không cho phép tổ chức hay cá nhân lợi dụng danh nghĩa công ty luật thông qua dịch vụ xử lý nợ xấu để hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho biết quyền đòi nợ là một tài sản quy định tại Điều 322 Bộ luật Dân sự: Quyền đòi nợ là một quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Và quyền tài sản lại là một trong bốn loại tài sản theo quy định hiện hành Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, tài sản bao gồm: Vật, Tiền, Giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Như vậy, có thể hiểu quyền đòi nợ tự thân nó là một tài sản. Ðối tượng của quyền đòi nợ chính là khoản tiền sẽ được thanh toán vào một thời điểm nhất định.

Theo đó bên có quyền đòi nợ có thể yêu cầu bên mắc nợ phải trả nợ hoặc có quyền yêu cầu Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bên mắc nợ phải trả nợ, đây là một quyền yêu cầu hợp pháp.

Quyền đòi nợ là một quyền yêu cầu do đó được phép chuyển giao theo quy định về chuyển giao quyền yêu cầu, khi đó bên nhận thế quyền sẽ là bên có quyền đòi nợ đối với bên có nghĩa vụ trả nợ.

Việc chuyển giao quyền đòi nợ sẽ theo các quy định về chuyển giao tại Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc Chuyển giao quyền yêu cầu: Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao cho người thế quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.

Ngoài ra, Điều 310 Bộ luật Dân sự quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Trong trường hợp pháp luật có quy định phải lập thành văn bản, phải công chứng, chứng thực, phải xin phép thì tuân thủ theo quy định đó.

Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu.

Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh được tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền. Đây là quyền được quy định tại Điều 314 Bộ Luật Dân sự.

Tuy nhiên, Điều 312 cũng quy định về việc không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu. Cụ thể, người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Không chỉ có những quyền trên, Quyền đòi nợ còn xác định là đối tượng mua bán trong hợp đồng mua bán giữa các bên. Tại Điều 449 Bộ luật Dân sự cũng quy định về việc Mua bán quyền tài sản thì Quyền đòi nợ là một quyền tài sản được đem ra để mua bán. Thực tiễn có những doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ.

Nhìn chung, các quy định của Bộ luật Dân sự đã giải quyết được về cơ bản các vấn đề pháp lý đặt ra đối với giao dịch này. Tuy vậy, các nhà làm luật chưa đề cập tới tính đối kháng của các phương tiện phòng vệ (hủy hợp đồng, bù trừ nghĩa vụ,…) mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể viện ra để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần quyền đòi nợ đã được chuyển giao.

Đối với việc vay nợ, Công an TPHCM khuyến cáo người dân không nên vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen, các đối tượng cho vay nặng lãi, các tổ chức ngoài xã hội, để tránh lọt thông tin và hình ảnh cá nhân.

Cơ quan chức năng khuyên người dân cần phải mạnh dạn tố cáo các hành vi đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bản thân và người xung quanh đến cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.