1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vạch trần thủ đoạn đòi nợ thuê trái luật núp bóng công ty

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, các đối tượng đã thành lập nhiều công ty và thuê hàng trăm đối tượng, chia thành các bộ phận khác nhau để thực hiện công việc thu nợ cho công ty có nhu cầu.

Trong vòng một tuần, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Tiền Giang, Công an TP Hà Nội, Công an TPHCM và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã triệt phá 2 băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính…

Tạo vỏ bọc bằng cách thành lập nhiều công ty

Vạch trần thủ đoạn đòi nợ thuê trái luật núp bóng công ty - 1

Cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét trong vụ Công ty Luật TNHH Pháp Việt hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật và các đối tượng liên quan bị triệu tập (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo cơ quan điều tra, để tránh sự phát hiện của công an, các đối tượng đã thành lập 7 công ty, gồm: Công ty cổ phần đầu tư Omnia (trước đây tên Công ty TNHH thu hồi nợ CR), Công ty Luật TNHH Kiên Cường, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP, Công ty cổ phần DV tài chính Thời Đại, Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Kiên Long, Công ty cổ phần dịch vụ Bắc Á, Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Nam Á. Các công ty này đều có trụ sở tại phường 15, quận 11, TPHCM.

Sau khi thành lập các công ty, các đối tượng đã thuê 119 người, chia thành nhiều bộ phận khác nhau để thực hiện công việc thu nợ cho các công ty có nhu cầu. Trong đó, Trần Hồng Tiến (49 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) là giám đốc điều hành, quyết định mọi vấn đề của công ty.

Bộ phận nhân sự do Nguyễn Thị Ái Vân (38 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, Trưởng phòng, quản lý nhân viên); Huỳnh Thị Phượng (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) có nhiệm vụ phỏng vấn, nhận hồ sơ của nhân viên xin việc, lập bảng chấm công, làm các giấy tờ gửi xe, thẻ ngân hàng... cho các nhân viên công ty.

Bộ phận kế toán do Võ Thị Cẩm Vân (39 tuổi, Kế toán trưởng), quản lý một nhân viên kế toán, có nhiệm vụ tính tiền lương cho nhân viên và nhận, tổng hợp biên lai khách hàng trả tiền trực tiếp tại văn phòng do nhân viên công ty chuyển đến.

Ngoài ra, Cẩm Vân còn ký thông báo về kết thúc khoản vay sau khi khách hàng trả tiền (Vân ký thay Trần Hồng Tiến). Bộ phận vận hành Accout (phụ trách dữ liệu "data" thông tin khách hàng) do Nguyễn Thị Kim Trâm (48 tuổi), làm Trưởng bộ phận. Trâm quản lý một nhân viên có nhiệm vụ quản lý, chia dữ liệu "data" vào các tài khoản của nhân viên đòi nợ, đồng thời in các hồ sơ, tài liệu của khách hàng cho nhân viên khi có khách hàng trực tiếp đến văn phòng thanh toán khoản tiền nợ.

Bộ phận kỹ thuật (IT) do Phạm Văn Sơn (36 tuổi), làm Trưởng phòng. Bộ phận thu hồi nợ do Nguyễn Đức Khoa (31 tuổi) làm Phó phòng, quản lý 103 nhân viên, trong đó: 11 đối tượng là tổ trưởng và 92 nhân viên. Nhiệm vụ của nhóm này là gọi điện thoại theo thông tin "data" khách hàng được cung cấp trong mỗi tài khoản để đòi tiền khách trả nợ.

Mỗi tháng công ty sẽ cấp cho nhân viên truy thu khoảng 500 hợp đồng (thông tin khách hàng) để đòi khoản nợ khách vay. Hai đối tượng Tiến và Khoa giao cho mỗi nhóm phải đòi nợ được số tiền 300 triệu đồng/tháng, nếu 2 tháng liên tiếp không đòi được đủ số tiền trên thì sẽ bị đuổi việc nên các đối tượng là trưởng nhóm luôn đôn đốc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số.

Cũng theo cơ quan điều tra, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (địa chỉ ở quận 1, TPHCM) và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset Việt Nam, bộ phận vận hành (Accout) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty.

Tiếp theo, các đối tượng sẽ phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận truy thu để họ trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện để gây sức ép đến khách hàng thông qua người thân, đồng nghiệp khách hàng, với thủ đoạn như: Sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách, mặc dù họ không liên quan gì đến khoản vay của khách hàng, mục đích để tạo sức ép cho những người liên quan đến cuộc sống, công việc buộc khách hàng phải trả nợ khoản vay.

Đáng chú ý, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó tạo lập, dùng các "tài khoản ảo" đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền thì có thể trả tiền trực tiếp tại văn phòng hoặc chuyển khoản vào 4 tài khoản của công ty. Lúc đó, nhân viên truy thu sẽ gửi thông tin báo lại bộ phận kế toán để họ cập nhật vào dữ liệu truy thu của từng cá nhân, từng nhóm. Khi khách hàng trả nợ xong thì công ty sẽ ký thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng.

Nhận diện thủ đoạn đòi nợ thuê

Vạch trần thủ đoạn đòi nợ thuê trái luật núp bóng công ty - 2

Các đối tượng trong vụ án bị triệu tập (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo cơ quan điều tra, thời gian qua, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng, nhiều cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê lợi dụng việc đăng ký kinh doanh ngành nghề này để hoạt động đòi nợ bằng các biện pháp trái pháp luật, trong đó, nguy hại và phổ biến nhất là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người bị cho là mắc nợ. Vì lý do đó, theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, dịch vụ này đã bị cấm.

Qua đó, các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1/1/2021 phải thanh lý, doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác.

Như vậy, bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào núp bóng dưới danh nghĩa công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cho vay để thực hiện hoạt động đòi nợ thuê như Công ty Luật TNHH Pháp Việt, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP là trái pháp luật và bị nghiêm cấm.

Công ty Luật TNHH Pháp Việt sử dụng thủ đoạn gồm ba cấp độ: Thứ nhất gọi điện đe dọa khách trả tiền; thứ hai gọi điện đe dọa trả tiền nếu không sẽ giết người thân; thứ ba mang bình gas, quan tài, xăng đến đe dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân. Trong quá trình đòi tiền, các thành viên trong nhóm thay nhau gọi điện đe dọa tăng áp lực để khách hàng trả tiền…

Về hoạt động hành nghề của luật sư, khi Công ty Luật TNHH Pháp Việt mượn danh nghĩa người có nghề luật sư để đứng tên làm giám đốc và đăng ký kinh doanh hoạt động trợ giúp pháp lý, nhưng chỉ tuyển lao động phổ thông và thực hiện việc đe dọa, khủng bố người khác để đòi nợ thuê; thực tế không trợ giúp pháp lý như pháp nhân đăng ký. Số tiền mà công ty nhận được từ các công ty tài chính, ngân hàng do phạm tội mà có.

Theo quy định tại Luật Luật sư, chỉ các tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư) mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề trong lĩnh vực này (luật sư) phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp. Dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định tại Điều 4 Luật Luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Luật Luật sư nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung không cho phép tổ chức hay cá nhân lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật thông qua dịch vụ xử lý nợ xấu để hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật...

Quá trình thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty ở TPHCM, cơ quan điều tra đã triệu tập 102 đối tượng về trụ sở Cục Cảnh sát hình sự khu vực phía Nam để đấu tranh làm rõ; thu giữ 593 triệu đồng, 101 máy tính, 6 laptop, 216 điện thoại và nhiều tài liệu liên quan.

Kết quả kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy, từ ngày 2/7/2018 đến hết năm 2022, các công ty đã thu mua 335.607 hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, trong đó các đối tượng đã đòi được tổng số tiền trên 500 tỷ đồng.