Khách hàng công ty Alibaba phải làm gì để đảm bảo quyền lợi?
(Dân trí) - Theo các luật sư, sai phạm của công ty địa ốc Alibaba và các cá nhân trong tổ chức này đến đâu, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xử lý. Quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư vào công ty cổ phần địa ốc Alibaba sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự hoặc khởi kiện ra tòa.
Ngày 19/9, nhiều khách hàng, nhà đầu tư đến trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (công ty Alibaba) ở quận Thủ Đức bày tỏ lo lắng, muốn thu hồi số tiền đã đầu tư vào các dự án, sau khi Nguyễn Thái Luyện (sinh năm 1985, Chủ tịch HĐQT) và em trai Nguyễn Thái Lĩnh (sinh năm 1989, Giám đốc) bị bắt với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình năm 2015.
Sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, phía công ty kêu gọi khách hàng ký tên không tố cáo gửi đến cơ quan điều tra. Trong khi đó, Công an TPHCM phát đề nghị người dân đã ký hợp đồng mua nền đất, bị Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản thì liên hệ công an tất cả các quận huyện trình báo, cung cấp thông tin để được bảo vệ quyền lợi.
Liên quan tới vấn đề làm như thế nào để đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã ký hợp đồng mua nền đất, bị Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng đầu tiên, việc khách hàng của công ty cần làm ngay là chuẩn bị, thu thập đầy đủ các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc mua các dự án như: hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty, các tin nhắn trao đổi thông tin... để có cơ sở đầy đủ bổ sung vào đơn tố cáo, đơn tố giác tội phạm hoặc đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu xử lý hành vi vi phạm, yêu cầu thanh toán, bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, khách hàng cần làm đơn tố cáo hành vi của công ty này gửi đến cơ quan cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong đơn ghi rõ các sự kiện, thời gian và các minh chứng kèm theo để chứng minh hành vi của công ty đã vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ: Công ty bán đất với thông tin pháp lý không rõ ràng, có dấu hiệu trong việc làm giả giấy tờ, hoạt động không minh bạch… Người dân có thể liên hệ với các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn luật sư, các tổ chức trợ giúp pháp lý để xin ý kiến tư vấn và được hướng dẫn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.
Cuối cùng, khách hàng cần hết sức hợp tác với cơ quan chức năng trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi lừa đảo của công ty. Chỉ khi nào mọi hoạt động, giao dịch của công ty này được làm rõ thì mới có thể đòi lại quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Khi có đầy đủ cơ sở để yêu cầu giải quyết, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và yêu cầu công ty phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền mà người dân đã thanh toán sau khi ký kết các hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần...
Theo điều 123 và khoản 1 điều 125 Bộ Luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán… giữa công ty Alibaba và người dân sẽ bị vô hiệu nếu vi phạm điều cấm. Khi đó, hậu quả pháp lý là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Công ty Alibaba phải trả cho khách hàng số tiền đã nhận theo hợp đồng. Nếu công ty không đủ tiền bồi thường, lãnh đạo và những nhân viên công ty có hành vi gian dối, lừa đảo phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Còn luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, có thể không phải tất cả các giao dịch của khách hàng với Alibaba đều bất hợp pháp. Đối với những hợp đồng mà tài sản là có thật, được phép chuyển nhượng nhưng do vụ án xảy ra ảnh hưởng đến tiến độ thì khách hàng có quyền tiếp tục thực hiện hoặc dừng. Lúc này, hai bên làm việc với nhau trên tinh thần thỏa thuận. Nếu không thì khởi kiện ra tòa bằng một vụ án dân sự khác.
"Các cá nhân, tổ chức có mua bán, chuyển nhượng đất đai với công ty Alibaba cần làm việc với các cơ quan chức năng, chuyên môn để xác định tính hợp pháp trong giao dịch của mình từ đó có giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình", luật sư Công nói.
Xuân Duy