Vụ Hoa hậu Phương Nga:
“Hợp đồng tình cảm” nếu có thật là hình thức mua bán dâm
(Dân trí) - Các luật sư nhận định, “hợp đồng tình cảm” trong vụ Hoa hậu Phương Nga cho dù là có thì cũng vô hiệu vì trái quy định pháp luật Việt Nam. Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng hợp đồng này, nếu có, là một hình thức mua bán dâm.
Ngày 21/9, HĐXX TAND TPHCM đã trả hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1987, ngụ tại TPHCM).
Theo cáo trạng, Nga đã nhận 16,5 tỷ đồng của ông M. để mua nhà giúp ông M. nhưng sau khi nhận tiền xong, Nga không mua nhà mà tránh gặp ông M.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, hai bị cáo đều khai rằng giữa bị cáo Phương Nga và ông M. có một cam kết gọi là hợp đồng tình cảm. Theo đó, Phương Nga chấp nhận “quan hệ tình cảm” với ông M. trong 7 năm (lúc này ông M. đã có vợ con); đổi lại ông M. phải trả bị cáo 16,5 tỷ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Lan Oanh (Đoàn Luật sư TPHCM), ông M. đã có vợ con nên quan hệ ngoài luồng với người phụ nữ khác là vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình và chế độ một vợ một chồng. Do đó, nếu hợp đồng này có thật thì cũng vô hiệu vì vi phạm đạo đức. Đạo đức không cho phép một người đàn ông đang có vợ con đi ký hợp đồng chung sống với một người phụ nữ khác.
Về việc có hợp đồng hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ; nhưng nếu có tồn tại một hợp đồng như vậy, có chữ ký của cả hai bên thì có thể coi đây là giao dịch dân sự, mà giao dịch dân sự thì không phải là lừa đảo. Tuy nhiên, về tính hợp pháp của hợp đồng này (nếu có) cần phải đánh giá xem xét.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty luật Đức Chánh, cho rằng: “Nếu hợp đồng này có thật thì việc ông M. trả 16,5 tỷ đồng để quan hệ tình cảm với Hoa hậu Phương Nga trong vòng 7 năm là một hình thức mua bán dâm”.
Ông nói: “Nếu có “hợp đồng tình cảm” trên sẽ được coi là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127, 128 BLDS 2005. Bởi vì, mục đích và nội dung của giao dịch trái đạo đức xã hội”.
Cũng theo luật sư Chánh thì hợp đồng này mới chỉ là lời khai một phía từ 2 bị cáo chứ chưa có chứng cứ chứng minh. Cơ quan chức năng cần tìm ra chứng cứ để làm rõ xem có hợp đồng dùng tiền đổi tình này có hay không để xử lý vụ án.
“Nếu hợp đồng này có thật thì hành vi lừa đảo của Phương Nga vô hiệu. Còn không có hợp đồng tình cảm thì tòa án sẽ bác lời khai này của hoa hậu và tiếp tục xử cô hành vi lừa bán nhà cho ông Nam”, luật sư Chánh nói.
Chế tài xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng
Trong trường hợp lời khai về “hợp đồng tình cảm” của bị cáo Phương Nga là đúng sự thật thì bị cáo Nga và ông M. đã vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng.
Với hành vi này, ông M. có thể bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 1, Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
Ngoài ra, tùy vào mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 147 BLHS 1999: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.
Xuân Duy