Gần 34.000 người tham gia hội nhóm vay tiền trực tuyến ở Nghệ An
(Dân trí) - Trong hơn 2 năm, ngành chức năng tỉnh Nghệ An phá 105 vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các đối tượng thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng từ hoạt động này.
Theo báo cáo của ngành chức năng, tỉnh Nghệ An có 356 cơ sở kinh doanh cầm đồ; 46 cơ sở kinh doanh tài chính; 109 cá nhân cho vay lãi suất cao.
Có 9 hội nhóm liên quan đến hoạt động vay tiền trực tuyến tại địa bàn tỉnh Nghệ An, với tổng số gần 34.000 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, có 56 website có đăng tải thông tin liên quan đến "tín dụng đen"; 29 ứng dụng liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến.
Từ năm 2022 đến 30/6, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 105 vụ việc, 123 người liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các đối tượng, ổ nhóm "tín dụng đen" này đã cho vay hơn 150 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cũng đã làm rõ 105 vụ với 220 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên 750 tỷ đồng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao.
Cùng với đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", ngành công an tăng cường nắm bắt thông tin, quản lý về hoạt động hụi, họ, phường để phát hiện các trường hợp biến tướng, cho vay nặng lãi cũng như kịp thời ngăn chặn các vụ việc huy động vốn trả lãi cao bất thường.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống quyết liệt, 2 loại tội phạm này đã giảm nhưng có xu hướng biến tướng, đặc biệt là trên không gian mạng với hình thức "phi tiếp xúc" thông qua app hoặc website cho vay trực tuyến.
Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh trong chiều ngày 31/10, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho rằng nhận diện tội phạm "tín dụng đen" rất khó. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng chỉ rõ công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng còn hạn chế.
Ông Lê Hồng Vinh đề nghị Đoàn giám sát đề xuất đến Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu lao động...
Theo ông Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, sau một tháng thực hiện giám sát đã thấy rõ thực trạng và xu hướng diễn biến phức tạp của tội phạm tín dụng đen và tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản.
Lãnh đạo HĐND tỉnh đề nghị các ngành chức năng xem xét, tham mưu để ban hành nghị quyết nhằm có những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời trong đấu tranh và phòng chống hai loại tội phạm này.