Công nhân phải "bán máu" trả lãi tín dụng đen, từng nghĩ đến cái chết
(Dân trí) - Để có tiền trả lãi vay tín dụng đen, anh Hùng phải đi "bán máu" nhiều lần. Khi bác sĩ không cho phép hiến máu vì mật độ quá dày, anh chuyển sang bán tiểu cầu.
Dẫn dụ công nhân vay "tín dụng đen"
Ngày 19/9, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Tài chính thông minh - Tránh bẫy tín dụng đen".
Nhiều công nhân tham gia chương trình ồ lên đồng cảm khi xem clip kể về câu chuyện rơi vào đường cùng khi vay tín dụng đen của anh Hùng.
Anh Hùng là công nhân một nhà máy tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ ngày vợ bỏ đi, một mình anh lo cho 3 đứa con nhỏ, đồng lương hơn 9 triệu đồng/tháng không đủ để trả tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học cho con.
Trong lúc thiếu thốn, anh Hùng liều vay 3 triệu đồng qua một ứng dụng (app) trên điện thoại. Đến khi trả lãi, anh Hùng mới biết lãi suất của khoản vay trên rất cao. Có tháng không đủ tiền trả lãi, nhân viên app này giới thiệu cho Hùng tải app khác về để vay thêm tiền trả lãi app trước.
Cứ vay app sau trả lãi app trước như thế, chỉ vài tháng sau, số nợ của Hùng tăng lên theo cấp số nhân, khoản tiền lãi phải trả hằng tháng còn cao hơn lương của anh.
Quá túng thiếu, Hùng phải đi hiến máu để có được vài trăm ngàn trả bớt tiền lãi. Hiến xong, anh lại hiến tiếp nhưng không được nên chuyển qua hiến tiểu cầu, sau 2 tuần là có thể hiến 1 lần.
Thế nhưng, số tiền ít ỏi ấy cũng không đủ bù đắp tiền lãi ngày một tăng cao. Mỗi ngày, nhân viên các app tín dụng trên gọi hàng trăm cuộc điện thoại hối thúc Hùng trả lãi. Anh quay cuồng trong nợ nần, khủng hoảng tinh thần, không còn tâm trí để làm việc. Có lúc, anh Hùng nghĩ quẩn, muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Chỉ khi nhớ đến 3 đứa con nhỏ, anh mới quay về.
Xem xong clip về câu chuyện của Hùng, chị Phan Thị Hiền (nhân viên công ty Vedan) mới hiểu rõ thủ đoạn dẫn dụ và tác hại ghê gớm của cạm bẫy tín dụng đen.
Anh Nguyễn Đức Hậu, đồng nghiệp của chị Hiền, cũng sợ hãi, tự hứa là từ đây về sau mà có nhu cầu vay vốn chỉ dám vay ngân hàng hay tín dụng vi mô CEP của công đoàn.
Hỗ trợ công nhân vay vốn, cho mượn xoay vòng không lãi
Nhà báo Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn đối với những công nhân lao động không may sa vào bẫy tín dụng đen. Ông hy vọng những câu chuyện như thế sẽ là lời cảnh tỉnh để công nhân có sự lựa chọn đúng đắn hơn khi có nhu cầu vay tiền.
Trao đổi tại tọa đàm, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo người lao động phải cảnh giác với những lời kêu gọi, ứng dụng cho vay tiền một cách dễ dàng, không cần xác minh hay thế chấp. Người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin về tổ chức tín dụng trước khi vay vốn để tránh những hậu quả về sau.
Theo vị này, những tổ chức tín dụng uy tín khi cho vay đều thực hiện tư vấn, làm hợp đồng tín dụng nghiêm túc theo quy định. Tín dụng đen thì thủ tục rất dễ dàng, thậm chí không cần thủ tục. Các đối tượng chủ động tìm đến công nhân lao động để giới thiệu, dụ dỗ họ vay tiền.
Biểu hiện rõ nhất của tín dụng đen là lãi suất mập mờ và thường rất cao. Khi người lao động mất khả năng chi trả sẽ bị khủng bố bằng những cuộc gọi thúc ép, đòi nợ liên tục...
Bà Bùi Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo người lao động phải cẩn thận cân nhắc khi có ý định vay vốn từ các app cho vay tiền, hiểu rõ mức độ nguy hiểm của tội phạm tín dụng đen mà tránh xa.
Theo bà Thủy, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh các hình thức chăm lo để giảm bớt khó khăn cho người lao động; đồng thời hỗ trợ công nhân vay vốn ở những ngân hàng chính thống với lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên, với hơn 1,2 triệu công nhân trên địa bàn tỉnh, có thể các hoạt động hỗ trợ của công đoàn chưa thể phủ khắp kịp thời. Do đó, bà kêu gọi chủ các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở các đơn vị tổ chức những hình thức góp vốn, cho mượn xoay vòng trong công nhân mà không tính lãi để kịp thời giúp người lao động giải quyết khó khăn đột xuất.