Diễn biến bất ngờ vụ nguyên giám đốc Agribank Bến Thành bị đề nghị tử hình
(Dân trí) - Người bào chữa cho bị cáo Oanh bất ngờ cung cấp tài liệu là bản sao giấy khai sinh của Đ.M.N., được cho là con của bị cáo. Theo luật sư, trong thời gian phạm tội bị cáo đang nuôi con nhỏ...
Chiều 19/4, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM ký ban hành văn bản và chuyển qua TAND cấp cao tại TPHCM, đề nghị trưng cầu giám định và hoãn phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Bến Thành, liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành) cùng đồng phạm.
Ngày 5/4 vừa qua, phiên xử phúc thẩm được mở ra. Tuy nhiên, trong phần tranh luận, người bào chữa cho bị cáo Oanh bất ngờ cung cấp tài liệu là bản sao giấy khai sinh của Đ.M.N. (sinh ngày 28/10/2005), là con do bị cáo Oanh sinh. Theo luật sư của Oanh, thân chủ của mình trong thời gian phạm tội (khi ký các hợp đồng khống) đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Bị cáo Oanh đang bị Viện KSND TPHCM kháng nghị tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn phạm tội, bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng chỉ là chung thân. Do phát sinh tình tiết mới này nên kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị hoãn phiên tòa để xác minh. HĐXX phúc thẩm đồng ý hoãn và thông báo lịch xét xử vào ngày 22/4 tới.
Tuy nhiên, với kết quả xác minh, không thu thập được hồ sơ sinh của sản phụ là bị cáo Oanh tại thời điểm tháng 10/2005; tài liệu đăng ký khai sinh của Đ.M.N tại UBND phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 không đầy đủ. Do vậy, theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, chưa đủ cơ sở vững chắc khẳng định Đ.M.N. là con ruột của bị cáo Oanh.
Từ đó, để có cơ sở đánh giá, sử dụng chứng cứ mới nêu trên theo đúng quy định pháp luật, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị TAND cùng cấp trưng cầu cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giám định độ tuổi của Đ.M.N. và giám định xác định mối quan hệ huyết thống giữa Đ.M.N. và bị cáo Oanh.
Theo nội dung vụ án, từ năm 2008 - 2012, Oanh và đồng phạm đã tham ô của Agribank Bến Thành hơn 31 tỷ đồng thông qua các hợp đồng vay vốn khống; bị cáo Oanh nhận hối lộ hơn 24,6 tỷ đồng từ bị cáo Lê Văn Tính (nguyên giám đốc công ty Kim Gia Thuận), nhằm ký duyệt cho Tính vay 137 tỷ đồng dù hồ sơ không đủ điều kiện vay; đồng phạm giúp sức cho em rể (đã chết) tham ô của Agribank Bến Thành hơn 8,8 tỷ đồng.
Với hậu quả trên, năm 2017, bị cáo Oanh bị tuyên phạt tù chung thân về tội tham ô tài sản, tù chung thân về tội nhận hối lộ, 12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Bị cáo Lê Văn Tính nhận án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank Bến Thành hơn 301 tỷ đồng (gốc và lãi), 16 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
9 bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm bị HĐXX tuyên phạt từ 3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 26 năm tù giam.
Sau bản án sơ thẩm, 6 bị cáo kháng cáo kêu oan, trong đó có bị cáo Oanh; 2 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; nguyên đơn dân sự là Agribank Việt Nam và 3 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo.
Cho rằng mức án tù chung thân đối với bị cáo Oanh là quá nhẹ chưa tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả nên Viện KSND TPHCM kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Oanh từ chung thân lên tử hình về tội tham ô tài sản.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Oanh một mực kêu oan và cho rằng mình không tham ô tài sản, không nhận hối lộ. Đồng thời, thừa nhận quá trình làm việc mình có một số sai phạm nên đồng ý phát mãi tài sản để khắc phục hậu quả.