1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Công an mời ê-kíp của bà Phương Hằng đến làm việc

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Công an TPHCM đã mời các cá nhân hỗ trợ, giúp bà Phương Hằng tổ chức livestream, quản lý các tài khoản trên mạng xã hội... đến làm việc để xác minh, làm rõ sự việc.

Tiếp tục mở rộng vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1), Công an TPHCM đã mời nhiều người được cho là liên quan đến hành vi của bà này đang bị điều tra tới làm việc để xác minh, làm rõ vai trò của họ để có biện pháp xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Họ được cho là những người lên kịch bản giúp bà Hằng tổ chức hàng loạt buổi livestream, quản lý 12 kênh mạng xã hội và các khách mời tham gia.

Công an mời ê-kíp của bà Phương Hằng đến làm việc - 1

Nhiều cá nhân giúp bà Hằng lên kịch bản livestream được công an mời làm việc (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo điều tra bước đầu, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Hằng đã thông qua các tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng youtube, facebook, tiktok để phát ngôn trực tiếp, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Bà Hằng liên tục sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu để phát ngôn trên không gian mạng làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong dư luận. Các buổi livestream của bà Hằng có sự tham gia, hỗ trợ của nhiều người.

Công an mời ê-kíp của bà Phương Hằng đến làm việc - 2

Cơ quan công an thu giữ nhiều tài liệu khi khám xét nơi ở của bà Hằng (Ảnh: Công an TPHCM).

Sau khi bà Hằng bị bắt tạm giam, hàng loạt thông tin giả như "bà Hằng đã được ông Dũng bảo lãnh về nhà"; "bà Hằng bị phạt 1,5 triệu đã được thả về"; "bà Hằng được cho tại ngoại"... xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an mời làm việc với chủ tài khoản phát tán để làm rõ động cơ, xử lý.

Tối 24/3, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Phương Hằng về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.

Theo Công an TPHCM, bà Hằng đã lợi dụng sự ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Công an TPHCM đã mời bà Hằng lên làm việc 4 lần để cảnh báo, răn đe và yêu cầu bà Hằng chấm dứt hành vi trên nhưng bà cố ý né tránh, không chấp hành.

Điều tra bước đầu, cơ quan chức năng xác định bà Hằng quản lý và sử dụng 12 kênh mạng xã hội trên internet, trực tiếp thực hiện livestream nội dung xuyên tạc đời tư nhiều cá nhân.

Bên cạnh đó, Công an TPHCM đã tiếp nhận nhiều đơn của các cá nhân tố cáo bà Hằng có hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.