Cặp vợ chồng điều hành đường dây làm giả giấy phép lái xe

Thanh Tùng

(Dân trí) - Chỉ chưa đầy nửa năm, vợ chồng Giáp và các đối tượng đã làm giả 2.000 giấy phép lái xe, đăng ký xe, thu lời 1,5 tỷ đồng.

Ngày 21/5, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Công an huyện Hà Trung vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây sản xuất giấy phép lái xe và đăng ký xe giả.

Các bị can bị khởi tố gồm: Lê Xuân Giáp (SN 1994), Trịnh Thị Thu (SN 1995, vợ Giáp), Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1999), Đặng Văn Nam (SN 2001) cùng trú huyện Nga Sơn, Thanh Hóa và Hoàng Thị Hạnh (SN 1983), trú thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Theo cơ quan công an, đường dây này do Lê Xuân Giáp cầm đầu.

Cặp vợ chồng điều hành đường dây làm giả giấy phép lái xe - 1

Đối tượng cầm đầu Lê Xuân Giáp (X) cùng đồng bọn và một số tang vật thu giữ (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Hà Trung phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện một số trang fanpage chạy quảng cáo tự động với nội dung "nhận làm giấy phép lái xe các hạng A1, A2, B1, B2…", và "Đăng ký xe mô tô, ô tô".

Người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh và căn cước công dân để đăng ký sau đó sẽ chuyển phát nhanh, nhận hàng trước và thanh toán tiền sau.

Ngày 17/5, tiến hành kiểm tra, khám xét khẩn cấp chỗ ở của 5 đối tượng, cảnh sát thu giữ 2 bộ máy để làm giả giấy tờ cùng nhiều con dấu giả, phôi đăng ký xe, giấy phép lái xe.

Lê Xuân Giáp khai nhận, do nợ nần nhiều, từ đầu năm 2024, Giáp chỉ đạo các đối tượng sử dụng máy vi tính thực hiện việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội nhận làm giả giấy đăng ký xe, giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe.

Sau khi có khách đặt hàng, các đối tượng in giấy tờ giả, đóng gói kín và câu kết với Hoàng Thị Hạnh là nhân viên Bưu cục Đò Lèn, thị trấn Hà Trung để chuyển phát nhanh số giấy tờ giả này cho khách hàng qua thư EMS.

Cặp vợ chồng điều hành đường dây làm giả giấy phép lái xe - 2

Lực lượng công an kiểm tra tang vật vụ án (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Khi đóng gói đơn hàng, các đối tượng ghi rõ thông tin người nhận lên bao bì, sau đó gom đủ 20-40 đơn hàng đóng vào thùng rồi gửi cho Hoàng Thị Hạnh. Mỗi loại giấy tờ giả, Giáp thu từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng và chia cho các đối tượng trong ổ nhóm của mình theo tỷ lệ thỏa thuận.

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến khi bị bắt, các đối tượng này đã làm giả và tung ra thị trường trên cả nước khoảng 2.000 giấy phép lái xe và đăng ký xe giả, thu lời bất chính khoảng 1,5 tỷ đồng.