1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bị hại của Mr Pips cần làm gì để có cơ hội lấy lại được tiền?

Hải Nam

(Dân trí) - Theo luật sư, những ai đã chuyển tiền và mất tiền cho đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam cần tập hợp tài liệu, chứng từ chứng minh và trình báo cơ quan chức năng.

Trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (30 tuổi, tức Mr Pips), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu, cơ quan chức năng xác định có ít nhất hơn 2.600 bị hại và tổng số tiền nạn nhân đã nạp lần đầu là khoảng 50 triệu USD.

Các bị hại cần phải làm gì để có cơ hội lấy lại tiền?

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, ngoài những người được xác định là bị hại do có đơn tố giác đến cơ quan chức năng, thì tất cả những ai đã chuyển tiền và mất tiền bởi đường dây lừa đảo của Mr Pips muốn lấy lại được tiền, cần phải thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đầu tiên, luật sư Giáp cho rằng bị hại cần tập hợp tài liệu, chứng từ chứng minh đã chuyển tiền và đã mất tiền cho đường dây lừa đảo của Mr Pips (chuyển tiền vào tài khoản của đường dây lừa đảo, hoặc chuyển tiền thông qua hệ thống trung gian thanh toán).

Bị hại của Mr Pips cần làm gì để có cơ hội lấy lại được tiền? - 1

Đối tượng Phó Đức Nam (Ảnh: T.A.).

Sau đó, nạn nhân cần làm đơn trình báo gửi đến cơ quan chức năng đang thụ lý vụ án, kèm theo các chứng từ chứng minh như trên. Trường hợp không thể đến nộp đơn trực tiếp tại cơ quan thụ lý được, bị hại có thể đến cơ quan công an nơi cư trú để nộp đơn, tài liệu và khai báo.

Cơ quan công an tiếp nhận sẽ tập hợp và liên hệ chuyển đến cơ quan chức năng đang thụ lý theo quy định.

Sau khi tiếp nhận đơn, tài liệu trình báo, cơ quan chức năng sẽ triệu tập để ghi nhận lời khai, đối chiếu các dữ liệu, tài liệu liên quan; xác định tư cách bị hại theo quy định, lập danh sách đưa vào hồ sơ vụ án.

Cuối cùng, sau khi hoàn tất các thủ tục để được xác định là bị hại nêu trên, người bị hại cần chờ kết quả điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án để nhận lại tiền theo quy định.

Đã khởi tố 31 bị can

Theo Công an quận Cầu Giấy, sau khi thành lập hàng chục văn phòng tại Việt Nam, Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ và nhóm người nước ngoài thiết lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo, có giao diện giống các sàn quốc tế như GTMX, ALPHA, TRDING, IQX...

Các sàn này được Nam và đồng bọn lập trình có đòn bẩy tài chính lớn (từ 20 đến 1.000 lần số tiền khách nạp), luôn thắng - tức là tài khoản nhà đầu tư chắc chắn sẽ "cháy" khi đặt lệnh.

Để thao túng được bị hại, các đối tượng cho nhà đầu tư hưởng lãi ở những khoản đầu tư đầu tiên, ít tiền. Chúng hướng dẫn bị hại rút những khoản lợi nhuận nhỏ để gây dựng lòng tin, sự uy tín.

Sau đó, nạn nhân càng nạp tiền, càng đặt lệnh thì càng nhanh "cháy" tài khoản.

Hiện cơ quan điều tra mới chỉ tiếp nhận trình báo của 18 người với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.

Trong quá trình xác minh bị hại, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do nhiều bị hại nghĩ các kênh của Mr Pips là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc họ bị mất tiền là do may rủi nên không trình báo.

Đặc biệt, nhiều trường hợp khi được cơ quan công an liên hệ thì không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo.

Đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Không tố giác tội phạm, Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Cảnh sát cũng đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa khối tài sản ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng của Phó Đức Nam.

Cơ quan điều tra yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khẩn trương ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.

Đồng thời, nhà chức trách đề nghị những người là bị hại cần trình báo với Phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội; số điện thoại: 0886.882.338).