1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án VNCB:

Bà Trần Ngọc Bích không yêu cầu ngân hàng chuyển 5.190 tỷ cho bất kỳ ai

(Dân trí) - Trong phiên xét xử đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng, ngày 4/8, bà Trần Ngọc Bích đã cung cấp chứng cứ cho HĐXX để chứng minh việc bà không yêu ngân hàng chuyển 5.190 tỷ cho bất kỳ ai.

Chứng từ đã bị “hô biến”?

Bà Bích khẳng định không có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, chỉ cho Phạm Thị Trang vay tiền
Bà Bích khẳng định không có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, chỉ cho Phạm Thị Trang vay tiền

Trước đó, bị cáo Phạm Công Danh khai rằng có quan hệ vay nợ với bà Bích. Nhưng lại khẳng định không chỉ đạo thuộc cấp chuyển tổng 5.190 tỷ từ tài khoản bà Bích sang tài khoản của Danh. Dù vậy, “ông trùm” bạo miệng khẳng định sẽ chịu trách nhiệm về khoản tiền này. Danh cũng khai rằng ông Tuấn, ông Lộc (nhân viên bà Bích) có nhận lãi ngoài từ Tập đoàn Thiên Thanh của Danh. Sáng nay 4/8, đại diện VKSn xét hỏi bà Bích về các khoản tiền nhân viên bà Bích nhận.

Trong các phiên xét hỏi và thẩm vấn trước, bà Bích xác nhận cho bà Phạm Thị Trang (Trang "phố núi", nay đã xuất ngoại) vay tiền và bà Trang trả lãi suất cho Bích. Việc đi lấy các lãi suất này được các nhân viên giao nhận hồ sơ nhận tại Tập đoàn Thiên Thanh, do các nhân viên Thiên Thanh trả và được các nhân viên của Tân Hiệp Phát ký nhận.

Khi đại diện VKS đưa những chứng từ ký nhận tiền, trong đó có ghi rõ: “nhận 9 tỉ đồng tiền trả lãi ngoài”, bà Trần Ngọc Bích đề nghị phải xem xét chứng từ thì mới trả lời được. Theo bà Bích, tại phiên tòa hôm nay, các chứng từ, bút lục đó đã được viết thêm vào chứ không phải chữ xác nhận của nhân viên Tân Hiệp Phát.

“Kính thưa HĐXX, các chứng từ tôi được xem, đối chiếu với hồ sơ tôi khẳng định đây không phải lãi ngoài. Số tiền nhận là giao dịch khác của tôi với chị Trang, không liên quan vụ án này. Chứng từ tôi xem có dòng chữ lãi ngoài là được ghi thêm bằng mắt thường cũng nhìn thấy được. Đây không phải chữ của ông Lộc nhân viên tôi. Luật sư tôi cũng cung cấp trong tài liệu có các chứng từ không có dòng chữ này”, bà Bích trình bày trước tòa.

Cụ thể, bà Bích đưa ra bằng chứng, tờ chứng từ số 4796 có chữ ghi thêm, chứng từ này giống với chứng từ có số bút lục 5074 (không có chữ ghi thêm). Chứng từ tại bút lục 4807 (có chữ ghi thêm) giống với chứng từ tại bút lục 5073 (nhưng không có chữ lãi ngoài).

Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh

Ngoài ra, bà Bích cho rằng bà có bằng chứng về việc không yêu cầu ngân hàng chuyển tiền của bà cho bất cứ ai, và ngân hàng biết rất rõ về việc này. “Đến ngày 22-4-2014, ngân hàng vẫn che giấu thông tin về việc đã chuyển tiền của tôi đi. Tôi đề nghị được nộp tờ giải trình đến HĐXX”, bà Bích khẳng định

Bà Bích khẳng định không có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, chỉ cho Phạm Thị Trang vay tiền. Các giao dịch đã được tất toán hết trước khi vụ án xảy ra. Trong hai ngày 21/8 và 26/8/2013, từ tài khoản của bà tại VNCB bị “chuyển mất” 5.190 tỷ không có sự đồng ý, chữ ký của bà. Việc chuyển tiền này, ngân hàng không thông báo cho bà Bích biết. Đến khi phát hiện ra bị “rút trộm” tiền, bà Bích rất nhiều lần đề nghị VNCB chịu trách nhiệm. Những lần làm việc về khoản tiền này ngân hàng đều cam kết giải quyết quyền lợi hợp pháp của bà Bích. Có văn bản cam kết. Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua ngân hàng vẫn không thực hiện cam kết…

Vợ bị cáo Phạm Công Danh xin giải tỏa kê biên

Người thân của bị cáo Phạm Công Danh xin HĐXX giải tỏa kê biên
Người thân của bị cáo Phạm Công Danh xin HĐXX giải tỏa kê biên

Chiều 4/8, phiên tòa xét xử vụ đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục làm việc với phần xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB). Mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi đại diện ngân hàng CB liên quan tới số tiền 5.190 tỷ đồng và 124 sổ tiết kiệm nhóm Trần Ngọc Bích đang cầm cố tại ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện ngân hàng CB cho biết sẽ trả lại 124 sổ tiết kiệm cho nhóm Trần ngọc Bích khi nhóm này thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan tới khoản tiền này. Theo cáo trạng, hiện nhóm Trần Ngọc Bích vẫn đang nợ VNCB 5.190 tỷ đồng tiền gốc (vay ngày 21 và 26/8/2013). Còn 124 sổ tiết kiệm của nhóm Bích có số dư 5.881 tỷ đồng. Đồng thời đại diện VNCB cũng yêu cầu những ai gây thất thoát tiền cho ngân hàng thì buộc phải bồi thường lại toàn bộ số tiền lại cho ngân hàng CB.

Liên quan đến các tài sản vợ chồng ông Danh, HĐXX hỏi bà Quách Kim Chi - vợ ông Danh về các tài sản đồng sở hữu. Bà Chi cho biết: "Đối với những tài sản của vợ chồng tôi đang thế chấp tại ngân hàng sẽ trả nợ cho ngân hàng theo đúng hợp đồng tín dụng, sau khi hoàn tất, phần còn lại tôi nhận phần tài sản của tôi. Về những tài sản kê biên khác, tôi xin tòa giải tỏa kê biên để góp phần khắc phục hậu quả".

Riêng Tập đoàn Thiên Thanh do em trai ông Danh là Phạm Công Trung đại diện đề nghị tòa giải tỏa các tài sản kê biên để bán khắc phục hậu quả. Theo ông Trung, toàn bộ số tài sản này nếu được giải tỏa thì bán sẽ có mức giá cao hơn mức giá đang kê biên và việc khắc phục hậu quả vụ án sẽ diễn ra nhanh chóng.

Còn khi được HĐXX hỏi về 45 giấy sử dụng đất tại Quảng Ngãi, ông Trung trình bày đây là tài sản của công ty Việt Trung. Năm 2007 UBND tỉnh Quảng Ngãi cho công ty này thuê toàn bộ lô đất trên và thanh toán tiền theo từng năm. Hiện toàn bộ tài sản này đang được kê biên nên ông Trung cũng yêu cầu HĐXX bỏ lệnh kê biên cho ông nhận lại tài sản này.

"Chỉ khi được giải tỏa kê biên thì Tập đoàn Thiên Thanh mới có thể cùng phối hợp ngân hàng thỏa thuận với các đối tác để bán, góp phần khắc phục hậu quả. Chúng tôi khẳng định có thể bán tài sản với giá cao hơn mức ngân hàng bán" - ông Trung trình bày.

Đồng thời, ông Trung cũng phủ nhận lời khai của một số bị cáo (lái xe, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh) nói ông yêu cầu họ lên làm giám đốc. “Tôi khẳng định không có yêu cầu ai lên làm giám đốc. Trước kia thì chúng tôi độc lập về kinh tế nhưng vì là anh em nên có lúc tôi lên Tập đoàn Thiên Thanh và trong những lần đó có động viên anh em cán bộ công nhân viên còn không có chuyện yêu cầu ai làm giám đốc cả”.

Trong phiên tòa xét xử sáng nay, các ngân hàng có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng đề nghị HĐXX bỏ lệnh kê biên đối với những tài sản Phạm Công Danh đang thế chấp để vay vốn. Giao những tài sản này cho những ngân hàng này quản lý nếu có số dư thì giao nộp cho cục thi hành dân sự.

Vì sao ngân hàng TrustBank thua lỗ?

Bị cáo Phạm Công Danh cùng thuộc cấp tại tòa
Bị cáo Phạm Công Danh cùng thuộc cấp tại tòa

Theo cáo trạng ngân hàng TrustBank tiền thân là ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Rạch Kiến, thời điểm đầu năm 2012 có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng do nhóm cổ đông Phú Mỹ, bà Hứu Thị Phấn làm đại diện. từ ngày 9/2/2012 đến ngày 10/7/2012, ngân hàng nhà nước tiến hành thanh tra ngân hàng này, kết luận cho thấy ngân hàng trustBank tình trạng rất xấu. trong đó vốn sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Trên cơ sở thanh tra, ngân hàng nhà nước đã có phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo xu hướng nhóm cổ đông cũ chuyển giao cho nhóm cổ đông mới Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm đại diện.

Cũng trong buổi chiều hôm nay các luật sư được tham gia xét hỏi, đầu tiên là luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh. Hỏi đại diện ngân hàng nhà nước nguyên nhân ngân hàng TrustBank làm ăn thua lỗ.

Đại diện ngân hàng nhà nước trả lời Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kết luận có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, Bà Hứa Thị Phấn là cố vấn HĐQT và tỷ lệ sở hữu cao tại ngân hàng, thao túng tài chính ngân hàng để phục vụ các dự án, công ty của bà. Thứ hai, nhóm khách hàng của Công ty Phương Trang đã sử dụng một lượng tiền lớn của ngân hàng Đại Tín mà cụ thể là của nhân dân đã chây ì trả nợ nhằm chiếm đoạt số tiền này của Ngân hàng Đại Tín gây khó khăn cho ngân hàng Đại Tín. HĐQT, ban điều hành Ngân hàng Đại Tín vi phạm luật các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn và Phương Trang. Tổng số nợ của ngân hàng Đại Tín chủ yếu nằm trong nhóm bà Hứu Thị Phấn và nhóm Phương Trang. Đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khó khăn của Đại Tín.

Ngày mai 5/8, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

Trung Kiên – Xuân Duy