1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại án VNCB:

VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng sau 2 năm điều hành của Phạm Công Danh

(Dân trí) - Phạm Công Danh tiếp nhận VNCB từ giữa năm 2012, lúc này VNCB có vốn chủ sở hữu là âm gần 2.855 tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau, đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB bị âm đến 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là trên 38.000 tỷ đồng.

Chi “chăm sóc khách hàng” hàng nghìn tỷ đồng (!?)

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Chiều 29/7, phiên tòa xét xử đại án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần xét hỏi với bị cáo Phạm Công Danh (SN 1964, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh).

Mở đầu buổi làm việc, HĐXX nêu lại: Thời điểm bị cáo Phạm Công Danh tiếp nhận ngân hàng, VNCB có vốn chủ sở hữu là âm gần 2.855 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm VNCB được điều hành dưới tay Danh, đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB bị âm đến 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là gần 38.256 tỷ đồng. Việc “đi xuống” của VNCB, theo cáo trạng của VKSND tối cao, là do hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm. Vào tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) và đổi tên thành VNCB.

Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận số liệu được HĐXX nêu lên ở trên là đúng. Bị cáo Danh nhận hoàn toàn trách nhiệm. “Xuyên suốt thời gian ngân hàng hoạt động luôn đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. 95% nợ không thu hồi được, không những tôi mà lãnh đạo Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng không lấy được. Đến giờ tôi cũng không biết NHNN đã thu hồi được chưa”, bị cáo Danh khai.

HĐXX đặt câu hỏi: Tại sao, số tiền lớn như vậy đi đâu? dùng vào việc gì? Bị cáo Danh khai đã dùng hàng nghìn tỷ đồng để “chăm sóc khách hàng” và trả lãi.

Bị cáo Phạm Công Danh khai đã dùng hàng nghìn tỷ đồng để chăm sóc khách hàng và trả lãi
Bị cáo Phạm Công Danh khai đã dùng hàng nghìn tỷ đồng để "chăm sóc khách hàng" và trả lãi

Theo lời khai của bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, thời điểm tháng 7/2012, VNCB lỗ lũy kế khoảng 8.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.800 tỷ đồng; các khoản nợ cho vay khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó có 95% nợ thuộc diện khó đòi, không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, ngay cả Mai và bị cáo Phạm Công Danh đều “sốc”, không chỉ vì số liệu tài chính lỗ “khủng” mà còn ở số tiền chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn.

“Theo quy định, lãi suất thời điểm đó khoảng 8%, nhưng tại VNCB thì lại phụ thuộc vào thỏa thuận với khách hàng nên lãi suất luôn trên 13%/năm (cao hơn 6-7% so với các ngân hàng khác - PV). Số tiền chênh lệch này thậm chí sẽ được chi lập tức cho khách hàng ngay khi có tiền gửi nhưng các khoản chi này không được ghi vào sổ sách”, Mai khai tại tòa.

Cũng chính bởi khoản chênh lệch này quá cao nhưng do nguồn tiền hạn chế, Phạm Công Danh thậm chí phải tự bỏ tiền túi ra chi để thu hút tiền gửi. Tuy nhiên, sau khi đã sử dụng nhiều cách vẫn không vực ngân hàng dậy được, Danh đã lên kế hoạch sử dụng tiền của chính ngân hàng để chi chăm sóc khách hàng. Đầu tiên, Danh chỉ đạo thuộc cấp lợi dụng đề án Nâng cấp hệ thống CoreBanking (đã được Chính phủ phê duyệt) để rút 63 tỷ đồng, nhằm qua mặt Ban Kiểm soát của NHNN. Toàn bộ số tiền này, theo lời khai của Danh tại phiên tòa ngày 29/7, là dùng để chi “chăm sóc khách hàng”.

Bị cáo Phan Thành Mai
Bị cáo Phan Thành Mai

Tiếp đó, bị cáo Danh tiếp tục làm “hồ sơ khống” rút gần 600 tỷ đồng từ việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM). Số tiền này được sử dụng để trả nợ, trả lãi, chi chăm sóc khách hàng. Tại phiên tòa, Danh khẳng định: “Việc làm hồ sơ khống 2 trụ sở này là có nhưng bản chất chỉ là tạm ứng vì bị cáo có tài sản khác đang thế chấp và sẽ dùng để bù vào khoản tạm ứng này”.

Đặc biệt, với số tiền vay trực tiếp tại VNCB lên tới 5.000 tỷ đồng, bị cáo Danh đã chỉ đạo sử dụng 2.600 tỷ đồng để trả một phần món vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV và 500 tỷ đồng trả cho nhóm Trần Ngọc Bích, 135 tỷ đồng trả cho bà Hứa Thị Phấn và số còn lại lên tới… 1.465 tỷ đồng được chi cho “chăm sóc khách hàng” nhưng bị cáo không giải trình cụ thể được.

Đầu tư tài chính 9.000 tỷ đồng

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh và thuộc cấp là cánh tay đắc lực giúp Danh chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tại VNCB
Bị cáo Phạm Công Danh và thuộc cấp là cánh tay đắc lực giúp Danh chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tại VNCB

Cụ thể, Danh đã nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Phạm Công Danh còn chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.

Tại tòa ngày 29/7, bị cáo Danh thừa nhận vì bảo đảm bối cảnh tính thanh khoản cho ngân hàng nên đề nghị bị cáo Mai nghĩ cách. Sau đó, Mai đề nghị thực hiện hành vi đầu tư tài chính nên bị cáo làm. “Đất Chi Lăng, bị cáo chưa bao giờ đồng ý thẩm định theo cơ quan tố tụng. Bị cáo đề nghị tái thẩm định lại và khoan xem đó là thiệt hại. Cách đây 3 năm có đối tác trả giá 250 triệu USD”, bị cáo Danh khai.

Lúc này HĐXX hỏi: Bữa nay người ta có mua không? – Bị cáo Danh: Tôi không có cơ hội để thỏa thuận. Đối tác này HĐXX mời đến được không? – HĐXX trả lời sẽ xem xét nếu đúng quy định pháp luật và yêu cầu bị cáo Danh cung cấp địa chỉ, số điện thoại của đối tác.

Trung Kiên – Xuân Duy