1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án VNCB:

Đề án tái cấu trúc “giá” 3,2 tỷ đồng của nguyên Tổng giám đốc VNCB

(Dân trí) - Trình bày trước tòa, Phan Thành Mai cho biết trước khi về làm việc tại VNCB thì đã quen Phạm Công Danh và biết tình trạng làm ăn thua lỗ triền miên của ngân hàng Đại Tín. Sau đó hơn một năm, Mai viết xong đề án tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín và được Phạm Công Danh trả 3,2 tỷ đồng.

“Vỡ mộng” tái cấu trúc VNCB!

Bị cáo Phan Thành Mai vỡ mộng tái cấu trúc VNCB vì sự thiếu thốn gay gắt về tài chính của ngân hàng này
Bị cáo Phan Thành Mai "vỡ mộng" tái cấu trúc VNCB vì sự thiếu thốn gay gắt về tài chính của ngân hàng này

Chiều 25/7, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục làm việc với phần tham gia xét hỏi của đại diện VKS ND TPHCM. Bị cáo đầu tiên bị xét hỏi là Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh. Vì sao một người được đào tạo bài bản ở nước ngoài với trình độ quản lý tầm cấp quốc gia như Phan Thành Mai nhưng khi tham gia tái cấu trúc một ngân hàng 0 đồng phải thực hiện những hành vi trái pháp luật?

Bị cáo khai báo đã về làm việc tại VNCB vào ngày 7/2/2013, trước đó bị cáo quen Phạm Công Danh từ cuối 2011 và biết tình trạng làm ăn thua lỗ triền miên của ngân hàng Đại Tín nên mới nghĩ ra đề án tái cơ cấu ngân hàng này. Khi về làm việc tại VNCB, bị cáo Mai có chủ trương tái cơ cấu nên Mai tổng hợp tất cả ý tưởng của những người làm việc tại VNCB. Thời điểm này, Mai nhận ra những điểm yếu thực sự của ngân hàng Đại Tín và qua đó đã nghĩ ra cách chăm sóc khách hàng để thu hút người gửi tiền vào ngân hàng.

Trong quá trình làm việc thì bị cáo Mai và tập đoàn Thiên Thanh hay VNCB không có bất cứ thỏa thuận nào về hợp đồng hay ràng buộc về tiền bạc mà tất cả xuất phát từ lý tưởng xây dựng một ngân hàng chung nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành vật liệu xây dựng nói riêng và bất động sản nói chung. Đề án tái cơ cấu đã được Danh thanh toán chuyển tiền 3,2 tỷ đồng.

Đến ngày 7/2/2013, bị cáo Mai nhận lời mời của Danh về làm việc tại ngân hàng Đại Tín và sau đó chuyển thành VNCB thì bị cáo giữ vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, khi bắt đầu điều hành VNCB thì bị cáo thừa nhận mình bị “sốc” trước thực trạng thiếu thốn tài chính gay gắt của ngân hàng này.

Sau phần xét đối với Phan Thành Mai, đại diện BKS đã hỏi đến Phạm Công Danh về nguồn tiền 3,2 tỷ đồng đã trả cho Mai về chi phí viết đề án tái cấu trúc, bị cáo Danh lúc này trả lời là không nhớ số tiền đó bị cáo lấy ra từ đâu và xin HĐXX cho mình thời gian để tiếp tục suy nghĩ.

Bị cáo Danh không nhớ lấy 3,2 tỷ từ nguồn tiền nào để trả chi phí cho bị cáo Mai khi viết đề án tái cấu trúc
Bị cáo Danh không nhớ lấy 3,2 tỷ từ nguồn tiền nào để trả "chi phí" cho bị cáo Mai khi viết đề án tái cấu trúc

Đại diện VKS quay lại phần xét hỏi với bị cáo Mai. Theo nội dung phần này, bị cáo Mai là người đề xuất cho bị cáo Danh cách như chăm sóc khách hàng bằng tăng số tiền gửi vượt lãi suất, đồng thời nâng cấp hệ thống lõi của Corebanking. Bị cáo Danh cũng đã đưa những đối tượng nước ngoài vào làm việc với ngân hàng. Bị cáo Mai cho rằng do áp lực thanh khoản cao nên dùng đủ mọi khách để có tiền cho dù biết sai.

Số tiền huy động vào cũng như vượt trần thì không có chênh lệch, do tính cấp bách thanh khoản cho khách hàng nên bị cáo không đặt vấn đề kinh tế mà chỉ làm sao duy trì hoạt động của VNCB.

Hồ sơ “khống” trong dự án Corebanking

Bị cáo Mai được cảnh sát dẫn giải đến tòa
Bị cáo Mai được cảnh sát dẫn giải đến tòa

Bị cáo Mai trình bày thêm, trong cuộc họp nâng cấp hệ thống Corebanking thì bị cáo Lê Công Thảo, nguyên Giám đốc Trung tâm CNTT Ngân hàng VNCB không được tham dự cuộc họp. Sau cuộc họp chính bị cáo là người chỉ đạo trực tiếp Thảo thực hiện hệ thống cũng như ký ứng tiền cho công ty An Phát 63 tỷ. Trong việc ký hợp đồng ký với An Phát thì chưa có bất cứ máy móc hay bất cứ hệ thống đã được nâng cấp. Việc ứng tiền cho An Phát chỉ là thủ tục hồ sơ hợp đồng để hợp thức hóa số tiền, việc ứng tiền này có sự chỉ đạo của HĐQT, còn đối với những trường hợp khác thì bị cáo không thể cho phép bị cáo Thảo ký nhận ứng tiền cho An Phát.

“Khi thực hiện những thao tác này bị cáo biết rõ VNCB đang đặt dưới sự kiểm sát đặc biệt của ngân hàng nhà nước. Bị cáo cũng hiểu rõ những quy định trong kế toán như sổ sách thật, hồ sơ thật. Tất cả những nội dung mà cáo trạng quy buộc thì bị cáo xin nhận hết, tuy nhiên do áp lực thanh khoản nên bị cáo mới dám vượt rào, cố ý làm trái quy định của nhà nước”, bị cáo Mai nói trước HĐXX.

Trong phiên làm việc vào buổi sáng cùng ngày, HĐXX đã tập trung làm rõ quan hệ giao dịch hơn 5.000 tỷ đồng giữa nhóm Trần Ngọc Bích và nhóm của VNCB.

Trước HĐXX, bà Trần Ngọc Bích khẳng định không có mối quan hệ gì với cá nhân ông Phạm Công Danh mà chỉ có mối quan hệ với VNCB, đó là mối quan hệ tín dụng từ năm 2012, thời điểm đó là ngân hàng Đại Tín, sau này mới đổi tên là ngân hàng Xây dựng. “Tôi đã giao dịch tại ngân hàng thì tin tưởng ngân hàng sẽ quản lý. Khi tiền chuyển khỏi tài khoản của tôi mà không có chữ ký của tôi thì tôi không chấp nhận” bà Trần Ngọc Bích nói trước HĐXX về khoản tiền hơn 5.000 tỷ đồng bị “bốc hơi” tại VNCB.

Dân trí tiếp tục thông tin về vụ đại án kinh tế này.

Trung Kiên – Xuân Duy