Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị thay đổi hội đồng xét xử
(Dân trí) - Ngày 2/12, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Cũng giống như những phiên tòa lần trước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có mặt tại phiên tòa từ rất sớm. Trong bộ đồ quen thuộc ông vẫn thường mang tới tòa, ông Vũ tươi cười với người thân cũng như các luật sư của mình và nhanh chóng đi vào khu vực xét xử. Sau nhiều lần vắng mặt vì lý do sức khỏe, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã xuất hiện tại phiên tòa xét xử.
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong vòng 3 ngày, hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán cao cấp là ông Nguyễn Hữu Ba, ông Trương Văn Bình và ông Phan Đức Phương.
Về phía nguyên đơn, đại diện cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo có ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và ông Hoàng Anh Tuấn. Tại phiên tòa phúc thẩm có 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn gồm các luật sư: Lê Thành Kính, luật sư Lê Thị Hoài Giang, luật sư Đoàn Thị Hồng Trang, luật sư Phạm Công Hùng và luật sư Lê Thị Kim Liên.
Về phía bị đơn, đại diện ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ có bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và ông Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vũ tại phiên tòa này gồm có: luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân và luật sư Nguyễn Minh Tâm.
Ngoài ra, tòa cũng triệu tập nhiều người tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên, công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn...
Trước phiên tòa, bà Thảo bất ngờ thay đổi yêu cầu từ xử kín sang xử công khai để đảm bảo thông tin khách quan chính xác, còn ông Vũ lại có đơn yêu cầu xử kín để tránh ảnh hưởng tới các con cũng như đảm bảo bí mật kinh doanh. Theo ghi nhận, phiên tòa sang nay được xét xử kín.
Trước phiên tòa bà Thảo có đơn gửi Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM thay đổi HĐXX. Theo bà Thảo, trong HĐXX vụ ly hôn có tới 2 thẩm phán đã xét xử các vụ án liên quan tới vợ chồng bà Thảo, trong những lần xét xử đó bà Thảo thua kiện. Vì vậy, tôi đề nghị xin thay đổi 2 thành viên trong HĐXX này là thẩm phán Phan Đức Phương và thẩm phán Nguyễn Hữu Ba. Ngoài ra, bà Thảo đề nghị tòa trưng cầu giám định tâm thần đối với ông Vũ.
Còn phía ông Vũ, vẫn giữ nguyên mong muốn HĐXX nhanh chóng xét xử vụ án để ông có thời gian tập trung vào những công việc khác
Năm 2015, bà Thảo đơn phương ly hôn vì vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn. Bà đề nghị nuôi tất cả 4 con, ông Vũ cấp dưỡng. Tài sản chung là tiền, vàng ngoại tệ tại ngân hàng bà yêu cầu toà không đưa vào giải quyết trong vụ án. Còn cổ phần, bà đề nghị hưởng 51% (ước tính 2.114 tỉ đồng) trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của tập đoàn...
Phía ông Vũ đề nghị tòa tuyên được hưởng 70% tài sản tại các ngân hàng cũng như giá trị cổ phần tại tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại.
Hồi cuối tháng 3, TAND TPHCM xử sơ thẩm chấp nhận cho vợ chồng bà Thảo ly hôn. HĐXX ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng mỗi năm.
Đối với tài sản còn lại, HĐXX tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu. Theo HĐXX, ông Vũ "có công lớn hơn" và việc giao công ty cho ông Vũ điều hành là có tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.
Cho là mình bị xử ép, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị toà phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm. Theo nguyên đơn, quá trình xét xử bà đã nhiều lần đồng ý rút đơn khi được HĐXX và Viện kiểm sát hỏi nhưng tòa vẫn tiếp tục xử và cho ly hôn là "cưỡng ép", không cho gia đình bà được đoàn tụ. Việc tòa buộc bà phải giao toàn bộ cổ phần mình sở hữu cho ông Vũ và nhận lại bằng tiền là tước đoạt quyền sở hữu của một cổ đông lớn đối với số cổ phần và phần vốn góp trong tập đoàn.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn có nhiều vi phạm tố tụng, thiên vị ông Vũ khi đánh giá ông có công sức đóng góp nhiều hơn trong việc tạo lập khối tài sản chung...
Phía ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm chia phần tài sản chưa thỏa thuận được theo tỷ lệ ông 70%, bà Thảo 30%. Viện Kiểm sát cũng có kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.
Xuân Duy