Tại sao quyết định quan trọng trong vụ ly hôn vợ chồng cà phê Trung Nguyên bị “bỏ quên”?
(Dân trí) - Theo dự kiến, ngày mai (2/12), TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Trước phiên tòa, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ thay đổi yêu cầu từ xử kín sang xét xử công khai còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì yêu cầu xử kín.
Trước đó, tòa đã 3 lần hoãn phiên tòa với lý do bà Thảo xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe.
Liên quan tới vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, TAND TPHCM đã có quyết định tách việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng trong công ty Trung Nguyên International PTE.LTD với số vốn góp là 7,5 triệu đô la Singapore ra khỏi vụ án ly hôn.
Tòa nhận định, đây là vụ kiện tranh chấp giữa nguyên đơn là công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Trung Nguyên International PTE.LTD đang được tòa án tối cao nước Cộng hòa Singapore giải quyết.
Theo đơn đề nghị của đại diện công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên thì việc tách nội dung chia tài sản chung là vốn điều lệ tại công ty Trung Nguyên International PTE.LTD thành một vụ án khác là cần thiết. Do đó, thẩm phán phân công giải quyết vụ án của TAND TPHCM đã ra quyết định tách vụ án.
Sau đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn khiếu nại và đơn yêu cầu hủy quyết định tách hồ sơ vụ án. Yêu cầu của bà Thảo được Chánh án TAND TPHCM chấp nhận, tuyên hủy quyết định tách hồ sơ vụ án.
Ngày 14/7/2017, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Ước và bà Đặng Thị Mai Thùy (người có cổ phần tại Trung Nguyên) có đơn khiếu nại, đề nghị Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM hủy quyết định của Chánh án TAND TPHCM.
Tiếp đó, Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận đơn khiếu nại của bà Ước và bà Thùy. Qua đó, việc chia tài sản sẽ được giải quyết thành một vụ án khác.
Liên quan tới việc tách vụ án này, ngày 24/6/2019, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn gửi đến cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tố cáo có hành vi cố tình làm sai lệch vụ án.
Trong đơn bà Thảo cho rằng, sau khi TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận đơn khiếu nại của bà Ước và bà Thùy thì bà Thảo có đơn khiếu nại. Sau đó, chính TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận đơn khiếu nại của bà không tách vụ án. Tuy nhiên, quyết định này đã không được tống đạt cho bà trong suốt thời gian trước, trong và sau khi diễn ra vụ xét xử sơ thẩm vụ ly hôn.
Ngày 20/6/2019, bà Thảo mới tự phát hiện ra quyết định này. Vì thế, bà Thảo đã làm đơn tố giác về hành vi cố tình làm sai lệch vụ án đối với bản án ly hôn sơ thẩm và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh.
Về phía ông Vũ, đương sự cho rằng, tại thời điểm vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm thì Viện Kiểm sát, Tòa án và các đương sự không nhận được quyết định không tách vụ án.
Tới tháng 6/2019, thông qua các phương tiện truyền thông, các bên mới biết có quyết định. Khi đó, đại diện của ông Vũ cũng như Trung Nguyên mới nhận được quyết định đó. Vì vậy, theo ông Vũ, quyết định tách vụ án là đúng quy định của pháp luật, không làm thay đổi bản chất vụ việc.
Ngoài ra, luật sư cho rằng việc tách vụ kiện của công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên yêu cầu bà Thảo và công ty TNHH Trung Nguyên International tại Singapore trả lại toàn bộ cổ phần và các tài sản kèm theo do bà Thảo đứng tên ra khỏi vụ án ly hôn không làm thay đổi bản chất vụ án.
Trước phiên tòa, bà Thảo cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bởi vì cấp cơ thẩm đã có những sai lầm trong áp dụng pháp luật, làm sai đi bản chất của vụ án. Bản án cần được hủy và đưa về cấp sơ thẩm xét xử lại để đảm bảo công bằng pháp luật. Còn ông Vũ thì mong muốn vụ án nhanh chóng khép lại để tránh ảnh hưởng tới các con cũng như có thời gian tập trung cho công việc kinh doanh.
Xuân Duy