4 điểm mấu chốt trước khi VKS đề nghị án với bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo
(Dân trí) - Bà Trương Mỹ Lan có chỉ đạo, thao túng toàn bộ hoạt động tại SCB để chiếm đoạt tiền của nhà băng này, trách nhiệm của các bị cáo với SCB... là những câu hỏi cần làm rõ khi VKS đề nghị mức án.
TAND TPHCM đã kết thúc gần 2 tuần xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ngày 19/3, đại diện VKS giữ quyền công tố sẽ luận tội với 86 bị cáo. Tại tòa, bà Lan không thừa nhận nắm giữ quyền chi phối tuyệt đối tại SCB, cũng như phủ nhận vai trò chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Các bị cáo còn lại thể hiện sự ăn năn, hối cải và mong HĐXX xem xét khi lượng hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan nắm vai trò gì tại SCB?
Cáo trạng cáo buộc bà Lan đã thao túng toàn bộ SCB để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát vay. Số tiền được giải ngân sau đó sẽ được bị cáo sử dụng vào mục đích riêng và các hoạt động của tập đoàn.
Trong hơn 10 năm, bà Trương Mỹ Lan và "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát đã được SCB "bơm" gần 1,07 triệu tỷ đồng, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỷ đồng, và đều là nợ không thể thu hồi. Bà chủ Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Suốt những ngày xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận cáo buộc nắm 85-91% cổ phần tại SCB. "Bị cáo và gia đình nắm dưới 15%, 30% là cổ đông nước ngoài, khoảng 30% là nhờ bạn bè đứng tên giùm. Chưa bao giờ tôi xác nhận cổ phần tôi tại SCB là 91%. Bản tự khai có phần đúng, phần chưa chính xác", Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai.
HĐXX dẫn chứng lời khai của các bị cáo nắm giữ cổ phần tại SCB đều xác nhận phần lớn cổ phần đứng tên bà Trương Mỹ Lan. Nữ bị cáo giải thích thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, những người đó chỉ biết bị cáo giúp SCB chứ không rõ bản chất.
Bị cáo Trương Mỹ Lan khai vị trí bà là đi giải quyết cho mượn tài sản, không nắm quyền điều hành tại SCB. "Nếu tôi ghê gớm như cáo trạng nói thì xin HĐXX xem xét, ngày hôm nay tất cả tài sản bạn bè đều nằm hết SCB, cả gia tộc nợ nần", bị cáo Lan nói và cho rằng tất cả lời khai các bị cáo khác khai có nhiều điều không đúng.
Bị cáo trình bày thời điểm SCB tái cơ cấu, bà đưa tài sản của mình vào để cứu ngân hàng. "SCB không đủ tiền trang trải thì có đâu mà cho tôi vay tiền. Vay tiền đưa đi đâu, tiền tôi sử dụng đi đâu. Tôi liên tục đưa tài sản vào vì nếu tôi dừng là mất hết", bà Lan khai.
Song, chủ tọa cho rằng cáo trạng xác định việc bị cáo đưa tài sản vào là một phương thức, thủ đoạn phạm tội.
"Chiếm đoạt là hoàn toàn không có. SCB không có tiền, chẳng lẽ tôi đi chiếm đoạt tài sản và tiền bạc của tôi hay sao. Mong HĐXX xem xét vai trò vị trí, số tiền tôi chiếm đoạt", bị cáo Lan nói.
Ai chỉ đạo đưa tiền hối lộ?
Theo cáo trạng, bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) với tư cách Trưởng đoàn thanh tra đã nhiều lần gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan, lãnh đạo SCB để nhận 5,2 triệu USD.
Tại tòa, bị cáo Nhàn khai không quen biết bà Trương Mỹ Lan, gặp theo đề nghị của Võ Tấn Hoàng Văn muốn bà Lan bán bớt tài sản, trả nợ cho ngân hàng. Về câu hỏi khi ban hành kết luận thanh tra, bàn bạc với Trương Mỹ Lan bao nhiêu lần, bị cáo Nhàn trả lời gặp 2 lần. "Bị cáo không hề trao đổi với Trương Mỹ Lan là không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt", bị cáo Nhàn nói.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khai không quen bà Nhàn, gặp theo đề nghị của Võ Tấn Hoàng Văn, Đinh Văn Thành (Cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn). Lý do cuộc gặp theo bà Lan là để nói Nhàn thanh tra ra kết luận sớm để nhà đầu tư nước ngoài còn vào. "Tôi truyền đạt lại, gặp Nhàn 1-2 lần", bị cáo Lan khai.
Trong khi đó, Võ Tấn Hoàng Văn khai có quen biết với con trai bà Đỗ Thị Nhàn khoảng 10 năm trước. Người đàn ông này thừa nhận có đưa quà cho một số lãnh đạo trong đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước, còn không biết những nội dung giữa bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn trao đổi.
Văn xác nhận có 4 lần đưa tiền cho bị cáo Nhàn như lời khai trước đó. Trong đó, lần thứ 3 khi Văn tới bà Nhàn không có ở nhà nên người phụ nữ này đã cho Văn mật khẩu cửa nhà để đưa tiền hối lộ vào bên trong.
"Tôi có đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn 3 thùng trái cây, sau này mới biết trong đó là tiền không phải trái cây. Thùng xốp đóng gói rất kỹ nên tôi không biết bao nhiêu", ông Văn nói.
Theo cáo buộc trong hồ sơ vụ án, lần đưa tiền đầu tiên vào giữa tháng 3/2018, khi ông Thành cùng Văn ra Hà Nội và lên phòng làm việc của bà Nhàn (ở trụ sở Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng). Những người này đã đưa cho nữ cựu cục trưởng một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD. Số tiền này sau đó được bà Nhàn mang về nhà cất.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2018, Văn và lái xe đã mang thùng xốp đến nhà riêng của bà Nhàn. Trong đó, một lần thùng đựng 1 triệu USD, hai lần khác mỗi thùng 2 triệu USD.
Trách nhiệm của các bị cáo với SCB?
Tại tòa, ông Hà Thế Định (Phó Tổng giám đốc, người đại diện theo ủy quyền của SCB) không đồng ý việc các cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền thiệt hại mà bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra cho SCB là 498.000 tỷ đồng.
Ông Định đề nghị HĐXX xác định bà Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.
Với tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án, có nguồn gốc từ việc các bị cáo phạm tội, rút từ SCB mà có, SCB cũng đề nghị tòa tuyên cho ngân hàng toàn quyền quản lý.
Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Lan và các công ty thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát, SCB đề nghị được toàn quyền khai thác, sử dụng quản lý mà không phụ thuộc vào việc có hay không đầy đủ pháp lý.
Theo đại diện SCB, quá trình thế chấp tài sản vay tiền, bà Lan và các bị cáo đã có hành vi hoán đổi 240 tài sản thế chấp, trong đó có 67 tài sản đã xuất ra khỏi ngân hàng. Nay, SCB yêu cầu các cơ quan tố tụng tiếp tục kê biên phong tỏa các tài sản này để đảm bảo cho việc khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, còn nhiều tài sản có nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có, SCB đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục áp dụng các biện pháp truy tìm tài sản của bà Lan và Vạn Thịnh Phát chưa kê biên để xử lý nợ. Quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra phát hiện các tài sản có nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có thì đề nghị giao cho SCB quản lý.
Đại diện ngân hàng cũng cho rằng các công ty thẩm định giá có người tham gia vào việc nâng khống tài sản thế chấp, gây thiệt hại cho ngân hàng, phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.
Đề cập về trách nhiệm của SCB trong vụ án, đại diện nhà băng này nói: "Mục đích cuối cùng của SCB là đòi lại tối đa số tiền mà các bị cáo trong vụ án gây ra thiệt hại. Còn trách nhiệm như thế nào thì HĐXX quyết định".
Trong khi đó, tại tòa, bà Trương Mỹ Lan không đồng ý với cách tính thiệt hại cũng như kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và SCB. Theo bị cáo, giá trị các tài sản đảm bảo được công ty này và SCB thẩm định với giá trị quá thấp, nên xin HĐXX cho thẩm định lại.
Nhiều bị cáo nhận tội, xin khoan hồng
Ngoại trừ bà Trương Mỹ Lan, các bị cáo trong vụ án đều nhận tội trước tòa, thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Họ cho rằng bản thân chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi hay được chia chác gì từ bà Trương Mỹ Lan nên mong HĐXX xem xét, đồng ý khắc phục một phần hậu quả đã gây ra.
Một số bị cáo khai đã chủ động xin nghỉ việc khi nhận ra hành vi ký hợp thức các khoản vay "khống" cho Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát là vi phạm pháp luật.
Lý giải với HĐXX, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên SCB cho rằng lúc đó SCB tái cơ cấu, việc hợp nhất 3 ngân hàng là chưa có tiền lệ. Trong nhận thức của họ lúc đó là không muốn để ngân hàng sụp đổ. Những bị cáo nhận quà từ bà Trương Mỹ Lan cũng đã và đang cố gắng khắc phục hậu quả thiệt hại.
15 bị cáo trong nhóm cựu cán bộ thuộc đoàn thanh tra thừa nhận sai khi ký sửa kết luận thanh tra, bỏ qua sai phạm và nhận tiền, quà của SCB. Người nhận tiền ít nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 5,2 triệu USD. Trong nhóm này, có ông Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) và bà Đỗ Thị Nhàn "đổ tội" qua lại về trách nhiệm chỉ đạo chỉnh sửa kết luận thanh tra SCB.
"Bị cáo chỉ ký quyết định thanh tra. Bị cáo không chủ động, không chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra sửa số liệu", ông Hưng nói và cho biết từ quyết định mà ông ký, đoàn thanh tra có trách nhiệm thực hiện theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, bị cáo Nhàn vẫn khẳng định lại chính ông Hưng là người chỉ đạo bị cáo chỉnh sửa kết luận thanh tra để báo cáo NHNN. "Bị cáo có nhận chỉ đạo của anh Hưng mới sửa. Anh Hưng chỉ đạo, tôi chỉ đạo lại bên dưới, tôi xin nhận trách nhiệm cho cấp dưới của mình vì họ chỉ nhận làm theo chỉ đạo của tôi", bị cáo Nhàn nói.
Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra cho rằng dù ông Hưng không thừa nhận đã chỉ đạo nhưng cáo trạng đã chỉ ra điều này.
Cáo trạng nêu sau khi đoàn thanh tra bỏ ngoài các số liệu phân loại nợ xấu, các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, sai lệch. Hành vi của nữ cục trưởng và các thành viên đoàn thanh tra đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, nợ xấu từ 91.000 tỷ xuống còn 53.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19.000 tỷ) thành dương (+2.700 tỷ), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%.
Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng lại bưng bít, bao che, không báo cáo.
Thậm chí, khi thành viên đoàn thanh tra đề xuất "đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt" thì ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ.
Đồng thời các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ "làm mờ" đi sai phạm, vi phạm của SCB tại các dự án…; báo cáo không đúng về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro.
Nghiêm trọng hơn, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.