Hà Nội:

Xe máy ùn ùn đi lên đường Vành đai 2, tài xế ô tô "nóng mắt", CSGT vào cuộc

Nhật Minh

(Dân trí) - Sau những phản ánh trên báo chí và mạng xã hội về tình trạng xe máy thường xuyên đi lên đường Vành đai 2 ở Hà Nội, lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý, khiến các tài xế ô tô nhiệt liệt tán thưởng.

Tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) thường xuyên xảy ra ùn tắc ở phía dưới, nhất là vào giờ cao điểm nên nhiều người đã bất chấp nguy hiểm, đi xe máy lên đường Vành đai 2 trên cao, nơi vốn chỉ dành cho ô tô.

Nguy hiểm hơn, khi thấy có lực lượng chức năng chốt chặn tại lối xuống ở Ngã tư Vọng hoặc trước khu đô thị Times City, để né phạt, nhiều người đã liều lĩnh điều khiển xe máy quay đầu, chạy ngược chiều trên đường Vành đai 2.

Xe máy ùn ùn đi lên đường Vành đai 2, tài xế ô tô nóng mắt, CSGT vào cuộc - 1

Hình ảnh xe máy đi ngược chiều cực kỳ nguy hiểm ở đường Vành đai 2 trên cao vào sáng 10/10 khiến nhiều tài xế ô tô "nóng mắt" (Video: OFFB).

Lực lượng chức năng xử lý xe máy đi lên đường Vành đai 2 trên cao ở Hà Nội vào sáng 10/10 (Video: OFFB).

Tình trạng xe máy đi lên đường Vành đai 2 trên cao đã diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây và được phản ánh lên báo chí, mạng xã hội, gây không ít bức xúc, bởi đây là đường dành riêng cho ô tô chạy tốc độ cao, rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

"Thật sự quá nguy hiểm! Không thể lấy lý do đường đông hay ùn tắc để biện minh cho việc đi xe máy vào đường dành cho ô tô như vậy. Mong CSGT bố trí nhiều nhân sự để chặn đứng tình trạng này, chứ để xe máy đi ngược chiều còn nguy hiểm hơn. Tại sao CSGT không chặn ngay ở lối lên nhỉ?", tài khoản Đức Linh nêu ý kiến sau khi xem các video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Phải làm sao để nâng cao ý thức của mỗi cá nhân thì mới có hướng để giảm tình trạng bát nháo này chứ không phải là cứ suốt ngày đi chặn bắt. Tôi nghĩ lực lượng chức năng cần vừa tuyên truyền vừa có biện pháp xử phạt cứng rắn mới ngăn chặn được. Không nên phạt ngay mà cứ lập biên bản giữ xe vài hôm, hẹn lên làm việc, đảm bảo sẽ nhớ đời ngay thôi", tài khoản Anh Huy bình luận.

Về quy định pháp luật, Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô-tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Về mức xử phạt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định rằng người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm