Xe máy tự chế chở 4 người như ô tô, chạy bon bon trên phố

Nhật Minh

(Dân trí) - Chỉ với vài thanh thép hàn lại thành khung đỡ ghế nhựa, chiếc xe máy chở được thêm một người phía sau, nhưng nhìn khá nguy hiểm.

Video cho thấy phần khung được hàn bằng thép ống cỡ lớn cũng khá chắc chắn, có cả mành che mưa nắng. Phần ghế nhựa lắp thêm chở một em nhỏ, còn em bé hơn ngồi giữa bố mẹ. Cả gia đình có đội mũ bảo hiểm. Dù vậy, thiết kế xe máy chở khung thép này khá cồng kềnh và nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Xe máy tự chế chở 4 người như ô tô, chạy bon bon trên phố (Video: MXH).

"Lực cản và lực gió rất nguy hiểm. Ngày trước tôi đi xe máy một mình mà có lúc gặp gió to phải đứng lại để giữ cái xe cho khỏi bị ngã. Chưa nói đến lực hút của các xe ô tô lớn chạy qua nữa đấy. Tôi không đồng tình. Quá liều mạng!", nickname Võ Sơn bình luận.

Nhiều ý kiến cho biết đây là hành trình về nhà của một gia đình trong đợt cao điểm dịch ở phía Nam, khi xe khách không hoạt động.

Tuy nhiên, "dù lý do là gì thì cũng không nên mạo hiểm với tính mạng gia đình như vậy. Chở như thế này thì người cầm tay lái rất mỏi lắm, vì lực gió cản rất nặng. Đó là chưa kể nguy cơ xe cồng kềnh dễ mất thằng bằng mà va quệt làm người khác ngã. Thật sự quá nguy hiểm!", tài khoản Hùng Dũng nêu ý kiến.

Không đồng tình với việc chở vợ con trên xe máy tự chế, nhưng nhiều cư dân mạng đã gửi lời chúc an toàn tới gia đình này, mong họ về nhà an toàn và nhớ lần sau đừng mạo hiểm như vậy.

Đi xe tự chế có bị phạt không?

Theo chỉ thị số 46 ngày 9/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 ngày 28/12/2007 của ngành Công an - Bộ Giao thông vận tải, kể từ ngày 1/1/2008 cấm lưu hành đối với các loại xe tương tự xe "tự chế".

Xe tự chế bao gồm: xe công nông; xe máy kéo nhỏ phục cho phục cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ 3 bánh, xe bốn bánh, trừ xe 3 bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển số.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, không được phép đi xe tự chế.

Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

- Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Ngoài ra, người nào điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm