Xe máy mắc kẹt trên đường ray được hỗ trợ kịp thời trước khi tàu chạy qua
(Dân trí) - Đoạn đường dân sinh cắt qua đường sắt không có rào chắn và người phụ nữ đi xe máy dù đang chở nặng nhưng khá chủ quan, dẫn tới tình huống bị mắc kẹt giữa đường ray khi có đoàn tàu đang đi tới.
Tình huống diễn ra vào ngày 29/10 ở đoạn đường sắt đi qua khu vực cổng chào xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Hình ảnh do camera hành trình của ô tô phía sau ghi lại cho thấy người phụ nữ điều khiển xe máy chở hoa quả nặng đã bị mắc kẹt giữa đường ray trong khi tàu hỏa đang tới gần. May mắn là một thanh niên đã kịp thời giúp người phụ nữ này kéo xe máy lùi lại trước khi tàu chạy qua.
Khi video này được chia sẻ trên mạng xã hội, có rất nhiều ý kiến tán thưởng sự ứng cứu kịp thời của thanh niên đi xe máy, đồng thời bất bình trước sự chủ quan, liều lĩnh của người phụ nữ đi xe máy.
"Khó hiểu thật! Không lẽ người phụ nữ thấy tàu đi tới mà vẫn cố băng qua đường sắt khi xe máy đang chở nặng? Hay là do không có đèn cảnh báo? Nhưng thường khi tàu di chuyển tới gần đoạn giao cắt với đường dân sinh, sẽ có còi cảnh báo", tài khoản Hoàng Anh bình luận.
Trong khi đó, tài khoản Minh Thuận nhận xét: "Đoạn đường cắt qua đường sắt bao giờ cũng cao, xe phải lên dốc, nên nếu tay lái yếu, không quen đường, hoặc cuống là rất dễ mắc kẹt giữa đường ray, tiến không được, lùi cũng không xong. Ô tô nhiều khi còn bị như vậy nữa là xe máy chở nặng".
"Nhiều người rất chủ quan và liều mạng, biết là tàu sắp đến nhưng lại tự tin cho rằng mình chỉ mất vài giây để điều khiển xe vượt qua đường ray kịp trước khi tàu đến, mà không tính đến tình huống không may mắc kẹt giữa đường ray," tài khoản Quang Linh nêu ý kiến.
"Đây là lối đi do người dân tự mở hay đường do nhà nước làm mà lại không có rào chắn và đèn báo nhỉ? Dừng xe quá gần đường sắt cũng rất nguy hiểm, vì khi tàu chạy qua, tốc độ tàu càng nhanh thì lực hút càng lớn, người và xe đứng gần dễ bị hút về phía tàu", tài khoản Đăng Khoa bình luận.
Phụ lục II của Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đã mô tả chi tiết cách xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.
Theo đó, chiều rộng hành lang ATGT đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên, và được xác định như sau:
- Đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét;
- Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3 mét.
Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008.
Người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.