Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Xe tải dừng sững trên đường sắt giữa lúc tàu hỏa lao tới

Nhật Minh

(Dân trí) - Cố băng qua đường sắt nhưng lại gặp sự cố giữa chừng, chiếc xe tải suýt chút nữa đã bị tàu hỏa cán.

Sự việc diễn ra hôm 25/1 ở lối mở Km29+800 giao giữa đường sắt với đường dân sinh Nguyễn Thắng Tưởng, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Theo đó, có vẻ như chiếc xe tải nhỏ đã bị chết máy khi đang ở giữa đường sắt, trong khi tàu hỏa ầm ầm lao tới, dẫn tới tình huống thót tim như trong clip.

Xe tải dừng sững trên đường sắt giữa lúc tàu hỏa lao tới (Video: OFFB).

"Nhanh chậm gì mấy phút mà nhiều tài xế liều mạng thế nhỉ? Tàu hỏa có như ô tô con hay xe máy, phanh là dừng lại ngay được đâu. Cả đoàn tàu quán tính lớn, dù có quan sát thấy chướng ngại vật, kéo phanh ngay thì cũng phải chạy thêm một đoạn dài mới dừng được", nickname Hải Long bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Đường sắt đoạn qua đường Giải Phóng và Ngọc Hồi có nhiều lối mở giao với đường ngang dân sinh rất nguy hiểm; có những lối đi tự phát, không còi, không đèn cảnh báo và không người trông. Nhưng đoạn này là có rào chắn, có đèn cảnh báo mà tài xế vẫn cố băng qua như vậy thật quá liều mạng", tài khoản Minh Luân nhận xét.

"Bình thường thì có khi mọi việc trơn tru, xe không gặp trục trặc gì, nhưng khi băng qua đường sắt, do tài xế cuống nên lại dễ xảy ra sự cố, như xe bị chết máy hoặc mắc kẹt", tài khoản Quang Đức bình luận.

Theo quy định của Cục Đường sắt Việt Nam, trước khi qua đường sắt, người dân cần giảm tốc độ phương tiện và dừng lại; quan sát tàu hỏa từ hai phía; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của nhân viên gác chắn và các biển cảnh báo. 

Cũng theo quy định, 90 giây trước khi tàu đến, nhân viên phải hạ barie để ngăn người dân và phương tiện đi vào. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi barie đã hạ xuống, hoặc thậm chí tàu hỏa đang tới gần, nhiều người vẫn cố cho xe lách qua.

Điều 47 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi vượt rào chắn đường ngang tối đa là 5 triệu đồng.

Cụ thể, mức phạt đối với người đi bộ là 60.000-100.000 đồng; với xe đạp là 100.000-200.000 đồng; với xe máy là 600.000-1.000.000 đồng; với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt là 2-3 triệu đồng; và với ô tô là 4-6 triệu đồng.