Những bài học an toàn từ vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe bán tải ở Biên Hòa

Nhật Minh

(Dân trí) - Va chạm với tàu hỏa đã khiến tài xế bị hất ra khỏi xe, trong khi một bé trai ngồi sau thùng xe bán tải bị hất văng về phía trước hơn 50m, tử vong tại chỗ.

Sự việc xảy ra vào tối 28/7 tại nút giao đường sắt với đường Phạm Văn Thuận (TP Biên Hòa, Đồng Nai), khiến hai người tử vong và ba người bị thương nặng.

Theo thông tin ban đầu, hai nạn nhân tử vong gồm bé trai 13 tuổi ngồi sau thùng xe ô tô bán tải và người đàn ông thu gom rác. Ba người bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong đó có tài xế xe bán tải.

Hình ảnh do camera an ninh ghi lại cho thấy dù tàu hỏa đang tới gần và nhân viên gác chắn tại chốt đường sắt ra dấu hiệu dừng lại, nhưng xe bán tải vẫn tiếp tục di chuyển, chạy cắt ngang qua đường sắt, dẫn tới va chạm nghiêm trọng.

Tại nút giao, chỉ có gác chắn hai hướng đường Phạm Văn Thuận và một hẻm vào chợ dân sinh phường Thống Nhất. Hẻm còn lại giao cắt với đường sắt không có gác chắn và xe bán tải đi từ trong hẻm này ra (Video: OFFB).

Những bài học an toàn từ vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe bán tải ở Biên Hòa - 1

Sau cú va chạm mạnh với tàu hỏa, phần đầu ô tô bán tải biến dạng, nát bét, túi khí chỗ ghế lái bung ra (Ảnh: Hoàng Bình).

Vụ việc trên một lần nữa cho thấy mức độ nguy hiểm của việc không tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở nơi đường bộ giao nhau với đường sắt.

Quy tắc an toàn ở nơi đường bộ giao nhau với đường sắt

Điều 25 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

Ngoài quy tắc an toàn tại nơi đường bộ giao nhau với đường sắt, vụ việc trên còn để lại bài học đáng nhớ về việc tuân thủ quy định cài dây an toàn và quy định không được chở người trên thùng xe bán tải.

Vì sao cần cài dây an toàn khi đi ô tô?

Trước tiên, việc cài dây an toàn khi đi ô tô nằm trong quy định pháp luật. Cụ thể, Khoản 2 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn. 

Trong khi đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, có quy định mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không thắt dây an toàn, người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn), và cả hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.

Những bài học an toàn từ vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe bán tải ở Biên Hòa - 2

Sử dụng chốt cài dây an toàn giả, hoặc cài dây an toàn ra sau lưng là việc làm khá phổ biến của nhiều người, để đối phó với tiếng "bíp" liên tục phát ra từ trên xe nhắc cài dây an toàn (Ảnh minh họa: Reader's Digest).

Hiện nay, nhiều người Việt Nam vẫn không có thói quen cài dây an toàn khi đi ô tô, nhất là người ngồi ở ghế sau. Lý do có thể do mức phạt khá nhẹ, có tính nhắc nhở nhiều hơn là răn đe (từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng), việc xử phạt cũng chưa được thực hiện nghiêm, và tâm lý chủ quan của người đi ô tô, cho rằng nếu chỉ đi trong thành phố, với tốc độ chậm, thì nếu không may xảy ra va chạm thì hậu quả cũng sẽ không nghiêm trọng...

Tuy nhiên, thực tế là ai cũng có thể thiệt mạng, hoặc khiến người khác thiệt mạng, nếu không cài dây an toàn, dù ngồi ghế sau hay ghế trước.

Theo nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS), việc cài dây an toàn không chỉ cần thiết cho những người ngồi phía trước, mà cả cho người ngồi hàng ghế sau, bởi ít người chú ý rằng nếu không cài dây an toàn, người ngồi ở ghế sau có thể làm thương, thậm chí gây thương vong cho người ngồi ghế trước khi xảy ra va chạm, vì theo quán tính người ngồi sau sẽ lao mạnh về phía trước, đẩy người ngồi trước lao vào tay lái, trụ A hay điểm va chạm phía trước, dẫn tới nguy cơ gặp chấn thương nhiều hơn.

Hồi năm 2017, kỹ sư nghiên cứu cao cấp Jessica Jermakian của IIHS từng khuyến cáo: "Những người không cài dây an toàn có thể nghĩ rằng sự bất cẩn của họ không làm hại người khác; nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu người ngồi sau không cài dây an toàn, thì nguy cơ tử vong trong va chạm trực diện của tài xế sẽ tăng gấp đôi".

Quy định về việc chở người trên ô tô chở hàng

Về luật, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt, xe bán tải không được phép chở người trên thùng xe. Cụ thể, Điều 21 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chỉ được chở người trên xe ô tô chở hàng trong các trường hợp sau:

- Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu.

- Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn.

- Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh vi phạm pháp luật, việc chở người trên thùng xe bán tải rất nguy hiểm, do thùng xe không được trang bị bất cứ thiết bị chuyên dụng gì để chở người. Trong trường hợp xảy ra va chạm, khi tài xế phanh gấp hoặc bị xe phía sau đâm vào, người ngồi hoặc đứng trong thùng xe bán tải có thể gặp nguy hiểm do va đập, thậm chí có thể bị ngã văng ra khỏi thùng xe.