Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:
Xe con chạy vào làn khẩn cấp để vượt và cái kết làm hài lòng cộng đồng
(Dân trí) - Sự việc diễn ra vào ngày 14/6 trên đường Vành đai 3 (Hà Nội), nơi mà việc các xe chạy vào làn dừng khẩn cấp được xem như "vấn nạn".
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, clip do camera hành trình của xe container chạy phía sau ghi lại sự việc đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem và bình luận. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc cơ quan chức năng tăng cường xử lý hành vi khôn lỏi và vi phạm luật giao thông này.
"Các tài xế vi phạm hay vin vào lý do mà có việc khẩn cấp. Nói thật là ai chẳng muốn nhanh, nhưng nếu tất cả đều tuân thủ luật giao thông, đi đúng tốc độ, đúng làn đường thì giao thông sẽ đỡ lộn xộn, đỡ tắc, cũng đỡ va chạm. Đó là chưa nói việc các tài xế cứ khôn lỏi chạy vào làn khẩn cấp để vượt cho nhanh thì khi xảy ra tình huống khẩn cấp thật, xe cảnh sát, xe cứu hỏa, xe cứu thương sẽ chạy vào đâu?", tài khoản Facebook có tên Minh Hà bình luận.
Khi nào được lái xe đi vào làn khẩn cấp?
Làn dừng xe khẩn cấp (hay được gọi tắt là "Làn khẩn cấp") là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được ngăn cách bằng vạch liền màu trắng. Đúng như tên gọi, làn đường này được thiết kế để khi gặp sự cố, các xe có thể tấp vào đó và dừng lại, không gây ảnh hưởng đến giao thông.
Điểm c Khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định rằng người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.
Người lái sẽ chỉ được dừng ở làn đường này nếu gặp trường hợp khẩn cấp, bao gồm: xe bị hư hỏng, thủng lốp xe; trục trặc phần rơ-moóc của xe, hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe, không thể tiếp tục lái xe.
Ngoài ra, các phương tiện ưu tiên bao gồm xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự trong các trường hợp khẩn cấp được phép đi vào làn đường này.
Mức phạt dành cho tài xế lái ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp
Theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 4- 6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên tới 15 năm tù.