"Ủng hộ đi vào làn khẩn cấp vì tắc đường là ngụy biện cho cái sai"

PV

(Dân trí) - Đây là ý kiến của độc giả Tiến Đinh gửi về Dân trí để chia sẻ quan điểm cá nhân cũng như phản hồi bài viết "Cấm đi vào làn khẩn cấp đường Vành đai 3 khiến ùn tắc thêm trầm trọng" của độc giả Minh Vũ.

Đọc bài viết của độc giả Minh Vũ trong bài "Cấm đi vào làn khẩn cấp đường Vành đai 3 khiến ùn tắc thêm trầm trọng", tôi cho rằng lý do này hoàn toàn ngụy biện. Và những người ủng hộ đi vào làn khẩn cấp vì tắc đường là ngụy biện cho cái sai.

Tôi 54 tuổi, một tài xế cho công ty liên doanh, làm lái xe cho một doanh nghiệp nước ngoài. 

Tôi thường xuyên di chuyển ngày hai lượt trên vành đai 3. Nhiều năm đi trục này, tôi chỉ chạy trong hai làn cho phép. Ngoài việc bản thân ý thức được việc di chuyển làn khẩn cấp là vi phạm, các ông chủ người nước ngoài đều yêu cầu các tài xế của công ty phải tuân thủ luật giao thông.

Ủng hộ đi vào làn khẩn cấp vì tắc đường là ngụy biện cho cái sai - 1

Một vụ va chạm ở làn 3, khiến xe dồn ứ, và khó khăn hơn trong việc di chuyển (Ảnh: Độc giả cung cấp).

Có thời điểm rất bận, cần phải di chuyển sớm để gặp đối tác hoặc xử lý công việc gấp. Với tôi, di chuyển trong làn cho phép luôn tạo ra sự an toàn. Hơn nữa, di chuyển trong hai làn cho phép mà nếu không may xảy ra sự cố thì mình mới không sai. Ngoài ra, là lái xe thuê, việc chạy làn khẩn cấp cũng khiến chúng tôi có thể phải mất thêm chi phí khi bị phạt nguội.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, sau khi đọc xong ý kiến độc giả trong bài viết của độc giả Minh Vũ tôi có hai luồng suy nghĩ. Đầu tiên, các độc giả hoàn toàn chính xác khi đưa bình luận rằng việc dùng làn khẩn cấp để di chuyển lúc tắc đường là bao biện.

Tắc đường do nhiều yếu tố, nhưng không thể viện cớ đó để rồi di chuyển vào làn khẩn cấp. Nếu thế, cứ phạm tội xong trình bày lý do để xin thông cảm sao? Xã hội phải vận hành trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu không sẽ loạn mất.

Ở góc độ ngược lại, về thực trạng tham gia giao thông ở vành đai 3 tôi có đồng tình với độc giả Minh Vũ ở 3 góc độ.

Đầu tiên, sau nhiều năm chạy ở tuyến đường này, tôi thấy đường các lúc càng đông, các nút lên xuống thường hay bị hỗn loạn. Ngoài ra, xe khách đón trả vô tội vạ, xe ôm lên cả cao tốc để đón khách.

Hơn nữa đây là một tuyến vốn được thiết kế để đi với tốc độ cao nhưng sau tốc độ tối đa giảm dần từ 90 km/h xuống 80 km/h. Và thực tế hiện nay, tốc độ trung bình không đạt tới mức này mà chỉ như đường đô thị. Chính vì thế, đường này từng được coi là "cao tốc" nhưng giờ trở thành "thấp tốc".

Ủng hộ đi vào làn khẩn cấp vì tắc đường là ngụy biện cho cái sai - 2

Lực lượng CSGT sử dụng xe mô tô đặc chủng di chuyển dọc tuyến để phát hiện và kịp thời giải quyết các điểm nút gây ùn tắc tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3 (Ảnh: Trần Thanh).

Góc độ thứ hai, rõ ràng nếu không có lực lượng chức năng tuần tra thì sẽ có nhiều xe dẫu biết có phạt nguội nhưng vẫn di chuyển vào. Như vậy, sẽ có Minh Vũ 2, Minh Vũ 3... và điều quan trọng sẽ không thế nào xử lý triệt để các tình huống như vậy. 

Góc độ thứ ba, tôi di chuyển nhiều năm trên cao tốc, nếu không may trên đường xảy ra va chạm thì dù ở làn nào, các xe cũng đều dồn sang làn còn lại, tình trạng tắc nghẽn là khó tránh khỏi. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của xe cứu thương, cứu hỏa hay xe cứu hộ.

Giải pháp theo cá nhân tôi là điều chỉnh các phương tiện được phép đi vào (có thể theo khung giờ). Chẳng hạn vào thời gian cao điểm thì chỉ cho xe con đi, tránh được việc xe tải đi chậm, xe khách dừng đỗ... Cùng với đó, cũng phải giảm bớt các nút giao lên, xuống để giảm tình trạng "thắt cổ chai".

Một lựa chọn khác là chấp nhận thực tế rằng Vành đai 3 không thể khai thác với tốc độ tối đa 80km/h, chuyển sang đặt giới hạn là 50-60km/h. Khi đó, vai trò của khẩn cấp sẽ không còn nữa vì đường đã không khác gì các tuyến phố. Lúc này, hãy cho phép khai thác cả ba làn để tận dụng tối đa đường.

Độc giả Tiến Đinh

Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

 Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam.

Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn