"Tắc đường, không đi vào làn khẩn cấp thì lỡ hết việc?"
(Dân trí) - Đó là "lý lẽ" của không ít người, dẫn đến việc hàng ngày có rất nhiều phương tiện đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc, hồn nhiên vi phạm luật giao thông.
Tôi thấy quá bức xúc khi đọc ý kiến bình luận của nhiều người ở dưới bài phản ánh "Ô tô nối nhau đi vào làn khẩn cấp đường Vành đai 3: Không sợ phạt nguội?".
Xin nêu ra đây một số lý lẽ thường được dùng để biện minh cho việc lái xe đi vào làn đường khẩn cấp, vi phạm pháp luật.
Phổ biến nhất là lý do đường đông, đường tắc, để một làn đường bỏ không thì quá lãng phí, không hợp lý. Bên dưới bài viết, tôi thấy có độc giả Phan Minh Tân cho rằng làn khẩn cấp trên đường cao tốc để thừa ra như thế không khác gì làn BRT, trong khi đường đi chính thì bé, phương tiện thì nhiều, ngày nào cũng tắc kéo dài. Bạn này cho rằng để các phương tiện đi chung với làn khẩn cấp là hợp lý nhất; nếu không may có xe phải dừng khẩn cấp thì chỉ cần đặt thêm chướng ngại vật từ xa là về cơ bản vẫn an toàn.
Thậm chí, một độc giả khác còn đặt câu hỏi: Làn khẩn cấp chiếm 1/3 đường di chuyển mục đích để làm gì?
Hình như các bạn đã vô tình, hay cố tình, quên mất rằng làn khẩn cấp còn để xe cứu hỏa, xe cứu thương đi vào trong tình huống khẩn cấp. Các bạn đã bao giờ nghĩ tới tình huống người nhà mình ở trong xe cứu thương cần được chở gấp tới bệnh viện chưa? Các bạn có nghĩ đến tình huống căn nhà của mình, tài sản tích cóp bao nhiêu năm của gia đình mình không may bị cháy chưa? Lúc đó thì nhanh chậm một giây cũng có thể làm nên sự khác biệt đấy các bạn ạ.
Một lý lẽ khác cũng thường xuyên được đưa ra để biện minh cho việc lái xe đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc là do các xe khác đi ở hai làn chính với tốc độ quá chậm, lại đi dàn hàng ngang, nên xe phía sau không còn lối để vượt lên.
Như độc giả Quang Hải giải thích: "Có nhiều hôm tôi có việc đi lên Vành đai 3 thấy đường cũng vắng mà lắm xe cứ dàn hàng ngang chạy lò dò 40-50km/h. Lúc đó mà không chạy vào làn khẩn cấp để vượt lên thì lỡ hết việc, không biết bao giờ mới tới nơi".
Tôi thấy tất cả đều chỉ là ngụy biện. Cá nhân tôi cầm lái hơn 10 năm chưa bao giờ đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc hay quốc lộ.
Nếu nghiêm túc học luật giao thông khi thi lấy giấy phép lái xe thì hẳn ai cũng biết mục đích của làn khẩn cấp là gì. Đúng như bài viết đã nêu, đó là làn đường dành cho những xe gặp sự cố dừng đỗ để sửa chữa hoặc chờ xe cứu hộ mà không gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác, hoặc để các xe ưu tiên hoạt động trong tình huống khẩn cấp. Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy định rõ là "Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường".
Luật là luật, không thể lấy lý do đường đông, đường tắc, có việc vội... để đòi hỏi sự thông cảm. Tất cả đều đi đúng luật thì giao thông mới thông suốt được. Cũng không nên có suy nghĩ rằng chỉ thêm mỗi xe mình thì không ảnh hưởng gì. Nếu ai cũng nghĩ vậy thì làn khẩn cấp lúc nào cũng kín xe, không thể phát huy tác dụng khi có trường hợp khẩn cấp.
Tôi thấy cách ví von của độc giả Nguyễn Hà rất chuẩn xác. Đó là làn khẩn cấp có ý nghĩa giống như mọi người mua bảo hiểm vậy. Không ai mong xảy ra tai nạn, nhưng khi xảy ra tai nạn mới thấy giá trị của bảo hiểm.
Tôi ủng hộ việc CSGT tăng cường kiểm tra và xử phạt các trường hợp đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc, đồng thời khuyến khích người dân gửi clip các trường hợp vi phạm.
Độc giả Quang Thành
Bài viết thể hiện ý kiến của độc giả, không nhất thiết trùng khớp với ý kiến của báo Dân trí.