Xăng pha “quá tay” sẽ phá hỏng bình chứa và động cơ xe

(Dân trí) - Trao đổi với <i>Dân trí</i>, chuyên gia hóa dầu cho rằng, khi pha chất Acetone, Methanol, Ethanol… với xăng quá nồng độ cho phép sẽ gây tác dụng phụ dẫn tới hỏng đường ống và động cơ. TPHCM từng xuất hiện hiện tượng này với 10.000 tấn xăng pha Acetone lên đến 10%, năm 2006.

Xăng pha phụ gia

Theo TS. Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu (Đại học Bách khoa Hà Nội), mục đích quan trọng nhất của việc pha các chất phụ gia chứa ô xi như Acetone, Methanol, Ethanol vào xăng là làm tăng khả năng cháy, khả năng bay hơi và chỉ số octan của xăng. Hiện nay, Bộ Công thương và Tổng cục Đo lường đã đưa ra bộ tiêu chuẩn khi pha các chất vào trong xăng và buộc các đơn vị sản xuất, bán xăng phải tuân thủ, như tiêu chuẩn Việt Nam về xăng E5.
 
Xăng pha “quá tay” sẽ phá hỏng bình chứa và động cơ xe - 1
Hàng loạt ô tô, xe máy cháy trong thời gian qua nhưng chưa rõ nguyên nhân

Xe để trong nhà tắt khóa điện cũng có thể cháy

Theo TS Đào Quốc Tùy ngay cả xe để trong nhà tắt khóa điện vẫn có thể bị cháy bình thường như khi đang nổ máy. “Trường hợp xe để trong nhà tắt khóa nhưng hệ thống điện 12V vẫn hoạt động ổn định để cung cấp điện cho hệ thống báo động an toàn và nuôi các hệ thống điện tử khác. Do vậy, để xe trong nhà nếu chập điện vẫn có thể cháy xe”, TS Tùy phân tích.

Nếu pha đúng tiêu chuẩn cho phép thì sẽ giảm được nồng độ các chất có hại trong khí thải của động cơ do quá trình cháy diễn ra hoàn toàn hơn. Tuy nhiên, nếu pha “quá tay” có thể dẫn đến tình trạng hỏng hóc các chi tiết trong xe như ăn mòn, trương nở các chi tiết cao su...

Còn theo PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, chủ nhiệm khoa Hóa học trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhà sản xuất pha Ethanol vào xăng để giảm giá thành (hiện nay trên thị trường Ethanol có giá thành khoảng 10.000đồng/lít). Việc pha Ethanol đúng kỹ thuật và quy chuẩn sẽ không gây ảnh hưởng đến động cơ.

Bên cạnh đó nó còn có tác dụng làm giảm lượng khí thải ra ngoài môi trường (khả năng đốt cháy hết nhiên liệu trong động cơ cao nên giảm hàm lượng khí ô nhiễm ra môi trường- PV). PGS. Lưu Văn Bôi cho biết, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dùng xăng pha 5% ethanol nhưng ở nhiều nước khác đã pha hàm lượng này lên đến 10%.

“Cũng phải lưu ý Ethanol có tính bay hơi tốt nên quá trình hình thành hỗn hợp nhiên liệu - không khí dễ dàng và quá trình cháy theo đó cũng tốt hơn. Chính vì thế Ethanol pha xăng phải là Ethanol 99,5% trở lên (gần như là cồn nguyên chất). Nếu Ethanol nồng độ thấp, với đặc tính ngậm nước, rất có thể nước sẽ gây tác hại đến động cơ”, PGS. Bôi cho biết thêm.

Xăng từng bị pha “quá tay”

“Năm 2006, hệ thống dẫn xăng ô tô, xe máy trong Thành phố Hồ Chí Minh bị hỏng hàng loạt. Từ những hỏng hóc đó cơ quan chức năng phát hiện ra 10.000 tấn xăng bị pha với Acetone “quá tay” lên đến 10%”, TS. Tùy nói và cho biết, mặc dù thời điểm đó xăng pha “quá tay” đã được bán ra thị trường nhưng không thấy hiện tượng cháy nổ. Còn hiện nay chưa phát hiện xăng kém chất lượng nhưng hiện tượng cháy nổ xe máy diễn ra phổ biến. Theo TS. Tùy để kết luận nguyên nhân những vụ cháy gần đây có phải do chất phụ gia hay do động cơ thì cơ quan chức năng phải vào cuộc, phân tích kỹ càng mẫu xăng của xe bị cháy có dấu hiệu bất thường hay không.
 
Xăng pha “quá tay” sẽ phá hỏng bình chứa và động cơ xe - 2
Chiếc xe Attila đang đi bỗng nhiên cháy giữa đường

Trưởng Bộ môn Công nghệ Hữu Cơ - Hóa dầu cũng hoài nghi khi đặt vấn đề cháy xe là do nhiên liệu không đảm bảo chất lượng. “Nếu do nhiên liệu thì số lượng nhập khẩu phải rất lớn vì tình trạng cháy xe rải đều khắp từ Bắc đến Nam. Còn các đơn vị nhỏ lẻ không thể làm được cháy xe ở nhiều nơi đến vậy khi họ cung cấp xăng chỉ ở một huyện hay một tỉnh”, TS Tùy nói.

Ngoài 3 chất Acetone, Methanol, Ethanol, theo TS. Tùy nhà sản xuất còn pha thêm nhiều loại phụ gia khác vào trong xăng như phụ gia chống ô xi hóa, chống ăn mòn, chống lắng và phụ gia mầu... Khi pha vẫn phải tuân theo quy chuẩn nhất định của Nhà nước. “Quy định là vậy, tuy nhiên họ pha thế nào thì cần kiểm tra phân tích mới kết luận được” - TS Đào Quốc Tùy nói.

Theo kết quả phân tích thì với hàm lượng xăng pha Ethanol 5-10% thì hoàn toàn không gây ảnh hưởng tới các động cơ của xe. “Hàm lượng quá lớn sẽ làm tăng khả năng ăn mòn gây ảnh hưởng cho động cơ bởi đây là một chất phân cực nhưng nêu hàm lượng etanol quá nhiều trong xăng cũng dẫn đến việc khó nổ máy động cơ”, PGS Lưu Văn Bội cảnh báo.

Quang Phong - Nguyễn Hùng