1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ đoạn “chế” xăng rởm khiến người tiêu dùng lo sợ

(Dân trí) - Dù cơ quan chức năng vừa công bố nguyên nhân cháy xe tính đến thời điểm này không phải do xăng dầu, nhưng hầu hết người tiêu dùng vẫn lo lắng cho rằng công nghệ “chế” xăng rởm là "thủ phạm" gây cháy nổ xe.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu nhận định rằng, bản thân xăng không thể cháy mà cháy ở trạng thái hỗn hợp, tức là có thể cháy do tạp chất lẫn trong xăng. Tuy nhiên, tạp chất ấy là những chất cụ thể nào thì vẫn đang là đề tài tranh cãi chưa có hồi kết, dù đã qua hàng trăm cuộc hội thảo, bàn luận.

 

Nhiều chuyên gia khoa học và nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo sợ với những thủ đoạn “chế” xăng rởm của các đối tượng gian lận thương mại. Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự (VUSTA) - nhận định, thủ đoạn “chế” xăng rởm gây hiểm hoạ khôn lường đến với người tiêu dùng nếu không được phát hiện và ngăn chặn.


Thủ đoạn “chế” xăng rởm khiến người tiêu dùng lo sợ
Xăng có chất phụ gia có thể là thủ phạm gây cháy xe?.

PGS.TS Hùng tiết lộ về một trong những thủ đoạn làm xăng rởm như sau: xăng được cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự. Do dầu hỏa có nhiệt độ sôi cao hơn xăng: 150 đến 2750C, nó gồm hydrocacbon từ C12 đến C15, tỷ trọng d15 là 0,78-0,80, do đó khi pha thêm dầu hỏa vào xăng, nếu ít thì xe vẫn chạy được, nhưng không “bốc”, hiệu suất kém.

 

Khi cho nhiều dầu hỏa hoặc xăng máy bay vào (có giới hạn sôi thấp: 1450C và có chỉ số octan cao, bằng hoặc lớn hơn 100), sẽ gây ra nguy hiểm: máy nóng, hiệu suất động cơ kém, chất thải khói đen nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hơi dầu không cháy hết, rò rỉ ra ngoài cũng dễ gây ra hiện tượng cháy xe, khi gập nguồn nhiệt hoặc tia lửa.

 

Một thủ đoạn khác làm xăng rởm để tránh sự kiểm tra của các đoàn đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON (Octan) là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat, chẳng hạn MTBE, để nâng chỉ số Octan tăng lên. Nếu phân đoạn hydrocacbon trong xăng không chuẩn thì chất oxygenat làm tăng sự tạo khói và phát ra hơi độc nhiều hơn.


Thủ đoạn “chế” xăng rởm khiến người tiêu dùng lo sợ
Mẫu xăng tại cây xăng dầu Đồi Nên, tỉnh Bắc Giang bị người tiêu dùng phát hiện và tố giác kém chất lượng.

Về nguyên nhân gây cháy xe dù đã được cơ quan công bố không phải do chất lượng xăng dầu nhưng chính PGS.TS Hùng vẫn nghi ngờ có thể liên đới đến các thành phần phụ có trong xăng dầu.

 

Đồng quan điểm với PGS.TS Hùng, TS. Đinh Ngọc Ân - Trưởng khoa Cơ khí Động lực, trưởng bộ môn Công nghệ ô tô, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên - cho rằng chất lượng xăng cũng có vấn đề, nhưng là nguyên nhân gián tiếp.

 

TS. Ân cũng bày tỏ quan ngại về xăng nhiễm nước cùng với các chất gây nhiễm nước trong xăng. Bởi mẫu kiểm nghiệm xăng Ron95 tại số 2 đường Giảng Võ (Hà Nội) từ lời khai của chủ nhân có xe bị cháy cho thấy, chỉ tiêu trị số Octan, benzen đều đạt chất lượng, riêng hàm lượng nước là 70ppm. Hay cây xăng Ron 92 thuộc Công ty Hà Bắc tại Bắc Giang được lấy mẫu thuộc khu vực có xe bị cháy. Sau khi xét nghiệm 6 chỉ tiêu trị số Octan, hàm lượng lưu huỳnh, áp suất hơi, hàm lượng ô xy, metanol và nước, cơ quan chức năng không phát hiện metanol, riêng hàm lượng nước thì lên tới 164ppm.


Thủ đoạn “chế” xăng rởm khiến người tiêu dùng lo sợ
Một chiếc ô tô đang chạy trên đường bị bốc cháy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dịp đầu năm 2012.

Lý giải về nguyên nhân gây cháy xe có thể có thể do các thành phần phụ trong xăng và việc xăng rò dẫn đến cháy nổ gây nguy hiểm đến tính mạng con người, TS. Ân cho biết, xăng rò có thể do xăng bị pha thêm các chất phụ gia quá mức, gây giãn nở và làm hỏng các ống dẫn cao su, các gioăng cao su, từ đó rò rỉ xăng.

 

Hai là do tác phong làm bừa, làm ẩu và gian dối của thợ bảo dưỡng sửa chữa xe như: thay (hoặc tráo đổi) ống xăng rởm, không kẹp chặt ống xăng sau khi tháo ra… Ba là do người sử dụng không thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng đúng định kỳ và không kiểm tra trước khi nổ máy, phát hiện dấu hiệu bất thường như mùi xăng, mùi khét của dây điện cháy…

 

Các chuyên gia cũng đưa ra  khuyến cao, để phòng chống cháy nổ xe, người tiêu dùng cần lưu ý: Không thay đổi thiết kế ban đầu của xe, đặc biệt là phần điện; Tuân thủ các hướng dẫn về bảo hành bảo dưỡng của nhà sản xuất; Kiểm tra xe trước khi vận hành; Mua xăng dầu ở địa chỉ tin cậy, uy tín.

 

Để giám sát theo dõi kỹ chất lượng xăng dầu và tăng cường tính phát hiện xăng rởm, PGS.TS Hùng kiến nghị Chính phủ nên giao cho đơn vị khoa học nhất định để liên tục kiểm tra, phân tích chất lượng xăng dầu độc lập so với các cơ quan nhập hàng và cần lưu ý đến việc đảm bảo các chỉ số, tỷ lệ và thành phần trong xăng thì việc loại bỏ, hạn chế hay những đối tượng “chế” xăng rởm sẽ dễ dàng bị “vạch mặt”, người tiêu dùng sẽ giảm thiểu được những rủi ro không đáng có.
 

Hiện có quá nhiều cơ quan như Khoa học - Công nghệ, Công thương, Giao thông - Vận tải… tham gia quản lý xăng dầu, song nếu không thay đổi cách quản lý thì dù có tăng cường kiểm tra đến đâu, vẫn có sai phạm. Vì cách làm hiện nay chủ yếu chỉ là kiểm tra phần "ngọn", tức là ở các cây xăng trước khi nhiên liệu đến với người dùng, trong khi muốn quản lý tốt cần phải có quy trình chặt chẽ ở tất cả các khâu nhập khẩu (hoặc sản xuất trong nước) - phân phối tới đại lý - người tiêu dùng. Nhà nước chưa có chế tài buộc doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm đến cùng với xăng dầu khi đưa ra thị trường nên rất khó hạn chế những sai phạm ở cấp đại lý - Đại diện Tập đoàn Petrolimex cho biết.

 

Quốc Đô - Anh Thế