Tài xế Việt bày đủ trò làm sai lệch biển số ô tô, mức phạt chưa đủ nặng?
(Dân trí) - Nhằm qua mặt camera giao thông hoặc tránh bị phát hiện tung tích, một số tài xế cố ý làm sai lệch biển số ô tô, gây khó khăn cho công tác xác minh vi phạm và có thể khiến chủ xe khác bị phạt oan.
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chiếc Hyundai Santa Fe cùng lúc đeo hai biển số 30H-788.7x và 30H-438.24. Việc này bị phát hiện khi tấm biển 30H-438.24 ở ngoài bị rơi một bên, để lộ tấm biển 30H-788.7x bên dưới.
Dù lý do là gì, đây là việc làm vi phạm luật giao thông, đáng bị lên án và xử phạt nghiêm khắc để răn đe.
Ngoài việc dùng biển số giả, còn một số chiêu bài khác được không ít tài xế áp dụng để che đậy các hành vi vi phạm.
"Mượn" biển số
Tình huống tưởng chừng hi hữu đã diễn ra tại một khu chung cư cao cấp ở Hà Nội vào năm 2021, khi hai chiếc Porche Macan đeo biển số giống hệt nhau đỗ ngay cạnh nhau.
Chủ nhân của chiếc Macan màu nâu (đỗ bên ngoài) đã tình cờ nhìn thấy xe có cùng biển số với ô tô của mình. Hai xe cùng model, nhưng khác màu và khác đời.
Trước đó, đã có trường hợp hai chiếc Mercedes-Benz E300 cùng đeo biển số 30E-488.16 bất ngờ xuất hiện cạnh nhau tại đường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội khiến nhiều người ngỡ ngàng. Sau khi phát hiện chiếc xe có biển số giống hệt xe mình, chủ nhân một trong hai chiếc xe Mercedes-Benz E300 đã đuổi theo và ép chiếc xe kia dừng lại.
Sau quá trình xác minh, lực lượng Cảnh sát giao thông cho biết biển kiểm soát 30E-488.16 được đăng ký lần đầu vào tháng 3/2012 đối với xe Mercedes-Benz sản xuất năm 2011. Chủ sở hữu trong giấy đăng ký là một công ty có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đối với chiếc xe Mercedes E300 còn lại, chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ.
Che biển số
Tài xế vi phạm thường chỉ che đi một phần biển kiểm soát. Khi bị CSGT phát hiện, các tài xế này thường cho xe tăng tốc bỏ chạy hoặc nếu buộc phải dừng lại thì sẽ nhanh tay gỡ miếng che để chối tội.
Có trường hợp tài xế còn xỏ dây vào tấm che rồi luồn dây vào bên trong xe hoặc buộc vào cần gạt nước kính sau, để khi gặp CSGT, chỉ cần giật dây hoặc bật cần gạt nước kính sau để "xóa dấu vết" gian lận.
Sửa biển số
Việc sửa chữa, làm sai lệch biển số được thực hiện tinh vi hơn việc che biển. Để hành vi vi phạm giao thông của mình không bị nhận diện dưới camera, một số tài xế đã chỉnh sửa biển kiểm soát xe bằng cách dán đè các đường nét để thay đổi thành số khác.
Phổ biến nhất là việc dán thêm nét hoặc che nét, để số 3 có thể "biến hóa" thành số 8, chữ F thành số E, và ngược lại.
Đây không chỉ là cách thức trốn tránh hành vi vi phạm mà còn gây khó khăn, sai lệch cho các lực lượng chức năng trong quá trình xác minh và gửi thông báo vi phạm cho chủ các phương tiện. Trong khi đó, chủ phương tiện khác có thể bị "mắng oan" hoặc nặng hơn là vướng vào phạt nguội "nhầm".
Lật biển đổi số như trong phim
Tại Việt Nam từng ghi nhận một số trường hợp xe ô tô có thể lật đổi biển số một cách cực kỳ tinh vi như xe của James Bond trong phim "Điệp viên 007". Đó là một chiếc Toyota Land Cruiser mang biển số nền trắng có thể lật ngược vào trong và thay thế bằng biển số màu xanh chỉ trong vài giây dù đang lưu thông trên đường. Được biết, chủ xe làm như vậy nhằm mục đích muốn được ưu tiên, nhường đường.
Trên một số sàn thương mại điện tử, thiết bị che hoặc lật biển số được rao bán tràn lan với giá 3-5 triệu đồng.
Mức phạt chưa đủ nặng?
Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã tăng nặng mức phạt đối với hành vi đeo biển số giả, làm sai lệch biển số so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP trước đó, từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng lên mức 4-6 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có nhiều tài xế cố tình vi phạm. Không ít tài xế thậm chí chấp nhận bị phạt vì hành vi che biển số, bởi mức phạt này thường nhẹ hơn các lỗi vi phạm giao thông mà hệ thống camera ghi lại.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức phạt lên gấp chục lần và áp dụng hình thức tước giấy phép lái xe, thậm chí tạm giữ xe để tăng tính răn đe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.