Sạc xe điện qua đêm có an toàn không?
(Dân trí) - Các nhà sản xuất và đại lý thường khẳng định rằng có thể cắm sạc pin qua đêm cho xe đạp, xe máy điện, nhưng thực tế việc này đã dẫn tới không ít vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Vì sao?
Cắm sạc qua đêm là lựa chọn của nhiều người sử dụng xe điện vì như vậy mới có đủ thời gian, việc sạc không bị ngắt quãng. Thông thường, xe đạp điện cần 4-6 giờ cắm sạc để năng lượng vào đầy bình, còn với xe máy điện cần khoảng 6-8 giờ.
Nếu xe có chức năng ngắt điện khi sạc đầy pin, bộ sạc chính hãng đồng bộ với xe và ở trong tình trạng tốt, thì việc cắm sạc qua đêm là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, điều kiện thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy.
Nguyên nhân cháy nổ khi sạc pin xe điện
Từ phía chiếc xe, sản phẩm kém chất lượng, hoặc việc sử dụng bộ sạc không đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc-quy, pin của xe điện có thể gây chập cháy hoặc nổ bình điện.
Ngay cả khi sử dụng sạc chính hãng và đồng bộ với xe vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu bình điện xuống cấp (bị chai, bị phồng, nứt...), dây sạc bị chuột cắn, ổ sạc bị ẩm, bộ sạc bị va đập móp méo trong quá trình sử dụng...
Từ phía người dùng, việc sạc không đúng cách cũng có nguy cơ dẫn tới cháy nổ, ví dụ như cắm sạc quá lâu, không có giám sát trong quá trình sạc, sạc trong điều kiện bất lợi (ngập nước, quá nóng, gần nguồn lửa...), cắm sạc ngay sau khi dừng xe, bình điện chưa kịp nguội, xe vừa nổ máy vừa cắm sạc...
Cách sạc pin xe điện an toàn
Ngoài việc lựa chọn sản phẩm xe điện đảm bảo chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định, tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, cùng với định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng xe và bộ sạc thì việc đảm bảo các nguyên tắc chung cơ bản khi sạc sẽ giúp hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Lưu ý đầu tiên là chỉ nên cắm sạc khi bình điện gần hết (dưới 30%), và chỉ sạc sau khi sử dụng khoảng 20 phút để bình điện nguội. Tuyệt đối không cắm sạc ngay sau khi xe vừa chạy quãng đường dài.
Thứ hai, cần sử dụng nguồn điện phù hợp, theo mức điện áp mà nhà sản xuất phương tiện khuyến cáo.
Thứ ba, không cắm sạc liên tục quá 8 giờ và cần có sự giám sát (trực tiếp hoặc gián tiếp) trong suốt quá trình sạc điện cho xe, để có thể kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố chập cháy.
Thứ tư, cần sạc điện ở nơi khô ráo, thoáng gió, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt và các vật dễ cháy. Nhiệt độ lý tưởng để sạc pin xe điện là 0-35 độ C. Khu vực cắm sạc cũng không nên có nhiều dây điện chằng chịt hoặc nhiều thiết bị điện tử khác.
Lưu ý không cắm sạc khi xe vẫn đang nổ máy, đợi pin đầy mới sử dụng xe; tránh rút sạc giữa chừng, sử dụng xe rồi lại cắm sạc tiếp, vì như vậy dễ làm chai pin, tăng nguy cơ cháy nổ.
Cuối cùng, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của xe điện, thay thế các thiết bị, linh kiện, bình điện, bộ sạc… không đúng chủng loại, không rõ nguồn gốc hoặc không đồng bộ với các thông số kỹ thuật thiết kế của phương tiện.
Việc lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe có thể dẫn tới sự chênh lệch, gây cháy nổ ắc-quy, pin.
Làm gì khi xảy ra cháy nổ xe điện?
Dù hiếm, nhưng việc cháy pin xe điện vẫn có thể xảy ra. Nếu phát hiện bình điện nóng lên bất thường khi đang sạc, hãy lập tức rút điện. Nếu có thể, hãy tháo bình điện và đặt vào trong một chiếc thùng kim loại, tốt nhất là thùng có chứa cát, tránh xa các vật dễ cháy.
Nếu xảy ra cháy, hãy lập tức gọi lực lượng cứu hỏa và thông báo luôn là cháy do xe điện để họ chuẩn bị phương án phù hợp. Việc chữa cháy liên quan đến pin lithium-ion cần được xử lý khác với cháy thông thường. Đừng cố dội nước vào thẳng bộ pin, vì nước và lithium có thể tạo ra khí hydro, khiến tình trạng chạy nổ dễ lan rộng. Có thể sử dụng bình chữa cháy tiêu chuẩn.