Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cũng gặp rắc rối vì đi ô tô điện mà thiếu trạm sạc
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ vừa thực hiện chuyến đi thực tế bằng ô tô điện và đã gặp đúng trở ngại lớn nhất đối với các chủ xe điện nói chung: thiếu trạm sạc, bên cạnh một số vấn đề khác.
Theo ghi nhận hồi tháng 4 của Business Insider, trung bình ở Mỹ chỉ có 3 trạm sạc pin ô tô điện cho 10.000 người. Và thiếu trạm sạc chính là lý do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cùng các cộng sự của bà đã phải làm việc với cảnh sát.
Đoàn xe điện đi thực tế gồm một chiếc Cadillac Lyriq, một chiếc xe bán tải Ford F-150 và một chiếc Chevy Bolt, cùng một số xe chạy xăng.
Đoàn xe điện xuất phát từ Charlotte tới Memphis, trong hành trình dự kiến kéo dài 4 ngày, đã gặp trục trặc ở Grovestown, bang Georgia. Nhóm định sạc nhanh cho xe nhưng phát hiện rằng không có đủ trạm sạc vì một cái đã bị hỏng, còn những cái khác đang "bận".
Do đó, một thành viên trong đoàn đã dùng xe xăng để xếp hàng xí chỗ tiếp theo sau chiếc ô tô điện đang sạc.
Đó là một ngày thời tiết oi ả và có một gia đình cũng đang phải xếp hàng đợi trạm sạc. Tệ hơn, gia đình này có một trẻ nhỏ bên trong xe, nên đã bức xúc gọi cảnh sát khi thấy có xe xăng xí chỗ ở trạm sạc xe điện.
Tuy nhiên, cảnh sát lại không có quyền "ra tay" với chiếc xe xăng chiếm chỗ sạc pin ô tô điện, do việc này không phải là bất hợp pháp ở bang Georgia.
Nhóm công tác của bà Granholm đã cố gắng xoa dịu tình hình, nhường chỗ sạc cho gia đình này và di chuyển một số xe trong đoàn sang các trụ sạc công suất thấp hơn. Dù sự việc đã được giải quyết ổn thỏa nhưng nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu trạm sạc pin ô tô điện tại Mỹ.
Ngoài việc thiếu trạm sạc, chuyến đi thực tế của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và các cộng sự đã cho thấy một số vấn đề khác mà người dùng ô tô điện có thể gặp phải.
Thứ nhất, cần lên kế hoạch chi tiết và cẩn thận trước khi thực hiện hành trình dài, điều không cần làm nếu đi bằng xe xăng. Tìm được trạm sạc phù hợp đã khó, nhưng tìm được cái đang trống và vẫn hoạt động còn khó hơn.
Thực tế là một phóng viên đi theo đoàn của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã sử dụng nhiều ứng dụng để tìm trạm sạc, đọc các ý kiến đánh giá để đảm bảo rằng chúng vẫn hoạt động và tìm các địa điểm tiện cho việc dừng xe 30 phút để sạc (ví dụ như trạm sạc ở nhà hàng, thay vì trạm sạc ở đại lý).
Thứ hai, tốc độ sạc chưa đủ nhanh. Thời điểm xây dựng các trạm sạc nhanh lần đầu tiên, 50kW đã được coi là nhanh. Từ đó tới nay, nhiều thứ đã thay đổi. Nhiều xe đời mới có thể sạc nhanh gấp 3 lần như vậy. Nhưng các trạm sạc cũ vẫn được sử dụng, chiếm một phần không nhỏ trong cơ sở hạ tầng sạc ở Mỹ.
Thứ ba là nhiều trạm sạc bị hỏng. Ví dụ, trong chuyến đi thực tế của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, điểm sạc ở Grovetown có 4 trụ sạc thì 1 trụ không hoạt động. Phóng viên lái chiếc Chevy Bolt đi theo đoàn đã phải sạc ở trụ có công suất chỉ bằng 1/3 thiết kế của xe.
Chính phủ Mỹ, các nhà sản xuất ô tô, các mạng lưới trạm sạc như Electrify America và ChargePoint, cùng các doanh nghiệp như Walmart, Shell và 7-Eleven đều đang tham gia phát triển hệ thống sạc pin cho ô tô điện tại Mỹ.
Các nhà sản xuất ô tô có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD, khai thác công nghệ của Tesla, và không ngại bắt tay với đối thủ nhằm giải quyết "nút thắt" trạm sạc. Trong khi đó, chính phủ Mỹ đang đầu tư hàng tỷ USD phát triển mạng lưới trạm sạc pin ô tô điện, cố gắng giải quyết từng khó khăn như bà Granholm gặp phải.