Renault bắt đầu bán cổ phần Nissan, liên minh có sự thay đổi lớn

Nhật Minh

(Dân trí) - Theo kế hoạch nhà sản xuất ô tô Pháp sẽ giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Nissan từ mức 43% xuống chỉ còn 15%.

Renault bắt đầu bán cổ phần Nissan, liên minh có sự thay đổi lớn - 1

Tới đây, liên minh Renault - Nissan sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh minh họa: Reuters).

Dự kiến Renault sẽ bán 5% cổ phần lại cho Nissan. Cụ thể, nhà sản xuất ô tô Pháp sẽ bán 211 triệu cổ phiếu Nissan, và nếu tính theo giá 568,5 yên (3,91 USD) chốt phiên giao dịch ngày 12/12 trên thị trường chứng khoán Tokyo, giao dịch này sẽ có trị giá 765 triệu euro (825 triệu USD).

Theo kế hoạch, tỷ lệ cổ phần mà Renault sở hữu trong Nissan sẽ giảm từ hơn 43% xuống còn 15%, bằng mức của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sở hữu trong Renault.

Hiện chưa rõ khi nào số cổ phiếu còn lại sẽ được bán, nhưng các nhà phân tích của công ty Bernstein đã chia sẻ với hãng tin Reuters rằng việc Nissan bán 28% cổ phần có thể giúp công ty tăng 4,2 tỷ euro (4,5 tỷ USD) số dư tiền mặt nếu tính theo giá thị trường hiện nay.

Thông qua liên minh mới, Renault và Nissan sẽ sở hữu chéo 15% cổ phần của nhau. 15% cổ phần của Nissan trong Renault cũng sẽ được chuyển đổi từ dạng cổ phần không có quyền bỏ phiếu sang loại được quyền bỏ phiếu.

Đổi lại việc giảm cổ phần là Renault sẽ được Nissan rót khoản đầu tư trị giá lên tới 600 triệu euro (663 triệu USD) vào bộ phận xe điện Ampere EV.

Giám đốc điều hành Luca de Meo của Renault muốn Ampere "lên sàn" vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 năm sau. Nhà sản xuất ô tô Pháp từng kỳ vọng việc này sẽ diễn ra trong năm nay và đặt mục tiêu đạt giá trị vốn hóa thị trường khoảng 10 tỷ euro (11 tỷ USD), nhưng các kế hoạch này đã bị hoãn lại.

Hình thành từ năm 1999, Renault-Nissan từng được coi là một chuẩn mực về mô hình liên kết trong ngành công nghiệp ô tô, sau đó kết nạp thêm Mitsubishi Motors vào năm 2016.

Năm 2017, liên minh này đã vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, với tổng doanh số đạt 10,61 triệu xe; trong đó, thành viên mới - Mitsubishi đóng góp 1,03 triệu xe, Nissan đạt doanh số kỷ lục 5,82 triệu xe, và Renault bán được 3,76 triệu xe.

Volkswagen đạt doanh số 10,53 triệu xe, đứng thứ 2, còn Toyota lùi xuống đứng thứ 3, với 10,2 triệu xe bán ra.

Liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi từng có ý định biến quy mô sản xuất trở thành một lợi thế và dùng nó để tăng gấp đôi số tiền tiết kiệm được lên mức 12 tỷ USD vào năm 2022, với mục tiêu tăng doanh số lên 14 triệu xe.

Mối quan hệ giữa Renault và Nissan không phải là sáp nhập hay thâu tóm. Hai doanh nghiệp này được "trói" vào nhau thông qua một thỏa thuận lưu giữ cổ phần chéo. Renault sở hữu 43,4% cổ phần của Nissan, còn Nissan sở hữu 15% cổ phần của Renault. 

Liên minh Renault - Nissan phát triển theo hướng mỗi công ty hoạt động theo lợi ích tài chính của bên còn lại, trong khi vẫn duy trì thương hiệu riêng và văn hóa doanh nghiệp độc lập. Mục tiêu của sự kết hợp là tăng tính kinh tế cho cả Renault và Nissan mà không "nuốt" đi cá tính của một trong hai.

Mô hình này chứng minh được hiệu quả trong suốt gần hai thập kỷ, nhưng tất cả đã sụp đổ vào năm 2018, khi cựu Chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt giữ với cáo buộc trốn thuế thu nhập.

Khi đó, ông là người đứng đầu của cả Renault và Nissan, có vai trò kết nối ba nhà sản xuất lại với nhau.

Ông bị cáo buộc không kê khai khoản thù lao khoảng 9 tỷ yên trong 8 năm tính đến hết tháng 3/2018 (tương đương 83 triệu USD theo tỷ giá thời điểm đó).

Sự việc này đã khiến liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi không còn sự liên kết hiệu quả như trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm