Phân khúc bán tải tháng 3/2018: Bức tranh ảm đạm

(Dân trí) - Khoảng 1.000 xe đã đến tay người tiêu dùng trong tháng 3 vừa qua; với sức mua như vậy, nhiều khả năng các hãng sẽ không còn xe bán tải để cung cấp cho thị trường trong thời gian tới, nếu vẫn không thể nhập khẩu và thông quan xe mới. Đây là diễn biến không thể dự đoán trước, khi mà năm 2017 được đánh giá là thời điểm cực thịnh của dòng xe này ở Việt Nam.

Thị trường tiếp tục sụt giảm

Có 1.060 chiếc xe bán tải tới tay người tiêu dùng; trong đó, thị trường miền Bắc vẫn tỏ ra ưa chuộng dòng xe này khi số lượng xe bán ra chiếm 48% (512 chiếc), phần còn lại là thị trường miền Nam (399 chiếc) và thị trường miền Trung (129 chiếc).

Như vậy, phân khúc bán tải tại Việt Nam tăng nhẹ so với tháng 2/2018 (7%), nhưng thấp hơn rất nhiều so với cùng kì năm ngoái - chỉ bằng 66%. Hồi tháng 3/2017 đã có tới 1.595 chiếc xe bán tải đến tay người tiêu dùng.

Dự báo trong tháng 4 này, thị trường ôtô nhập khẩu nói chung và phân khúc xe bán tải nói riêng sẽ có sự sụt giảm mạnh về doanh số. Các hãng tham gia kinh doanh ở phân khúc này không chỉ lo lắng với việc người tiêu dùng dè dặt, có tâm lý đợi chờ việc giảm giá sâu hơn nữa; và quan trọng hơn, là việc làm thế nào để có thể đưa xe về Việt Nam, bởi trong năm 2018 này, kể từ khi Nghị Định 116 và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực đến nay, chưa có bất cứ một mẫu xe bán tải nào được nhập khẩu và thông quan để đến tay người tiêu dùng.

Chưa có xe để bán không phải điều đáng lo nhất

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất ở phân khúc bán tải tại Việt Nam tại thời điểm này, không phải là Ford Ranger sẽ dẫn đầu phân khúc với bao nhiêu xe bán ra, mà tới đây sẽ thay đổi theo chiều hướng nào, khi mà hồi giữa tháng 3, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính “nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ôtô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này”.

Theo quy định hiện hành, các khoản phải đóng để một chiếc xe bán tải lăn bánh tại Việt Nam bao gồm: phí trước bạ 2% giá trị xe, phí cấp biển số cao nhất là 500.000 đồng (tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh), các chi phí về bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bắt buộc), phí bảo trì đường bộ (180.000 đồng/tháng), lệ phí đăng kiểm…

Trong khi đó, nếu nhập khẩu từ Thái Lan và đáp ứng các tiêu chuẩn về nội địa hóa ở nước sở tại, từ năm 2018 này thuế nhập khẩu xe bán tải được xóa bỏ (năm 2017 chịu mức thuế nhập khẩu 5%). Các loại thuế còn lại mà một chiếc bán tải phải chịu bao gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt 15 - 25% cho xe có dung tích động cơ từ dưới 2.500cc đến trên 3.000cc.

Điều các hãng lo lắng nhất là việc thay đổi theo chiều hướng tăng thuế/phí sẽ khiến giá bán xe không còn hấp dẫn người dân, dẫn đến nhu cầu thị trường thay đổi, dịch chuyển sang các dòng xe khác và lâu dài sẽ triệt tiêu một dòng xe có nhiều công năng sử dụng như dòng bán tải này.

Có phải là thời của xe cũ?

Xe mới chưa thể nhập khẩu về Việt Nam, cùng với việc chi phí sở hữu xe tăng lên (nếu tương lai không còn ưu đãi về thuế/phí cho dòng xe này), liệu đó có phải là cơ hội của những mẫu xe cũ?

Dự báo thị trường xe bán tải cũ cũng sẽ có đôi chút thay đổi, theo chiều hướng tăng giá, khi mà nguồn cung xe mới trở nên khan hiếm và đi kèm với đó là chi phí sở hữu tăng theo các thay đổi về thuế/phí.

Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi mà giờ đây chiếc xe bán tải không còn đơn thuần là một chiếc xe để chở hàng, bởi với trang bị tiện nghi và công nghệ hiện đại hỗ trợ đã khiến dòng xe này được ưa chuộng không kém các dòng xe du lịch.


Những chiếc xe bán tải, như Chevrolet Colorado, giờ đây sở hữu nhiều trang thiết bị an toàn và tiện nghi hơn nhiều mẫu xe du lịch tại Việt Nam: cân bằng điện tử, hệ thống hỗ trợ đổ đèo, cảnh báo lệch làn, cảnh báo giao thông phía trước, hỗ trợ đỗ xe trước/sau, cảnh báo áp suất lốp, camera lùi...

Những chiếc xe bán tải, như Chevrolet Colorado, giờ đây sở hữu nhiều trang thiết bị an toàn và tiện nghi hơn nhiều mẫu xe du lịch tại Việt Nam: cân bằng điện tử, hệ thống hỗ trợ đổ đèo, cảnh báo lệch làn, cảnh báo giao thông phía trước, hỗ trợ đỗ xe trước/sau, cảnh báo áp suất lốp, camera lùi...

Tuy nhiên, có một thực tế là nếu như Chính phủ xem xét tăng thuế/phí của dòng xe bán tải lên tương đương mức dành cho các dòng xe du lịch chở người, thì cần xem lại các chính sách về tiêu chuẩn vận hành, vì hiện nay dòng xe bán tải có niên hạn sử dụng (25 năm), trong khi xe du lịch chở người lại hoàn toàn không bị áp đặt quy định này.

Doanh số dòng xe bán tải tại Việt Nam trong tháng 3/2018:

Phân khúc bán tải tháng 3/2018: Bức tranh ảm đạm - 2

Việt Hưng

Phân khúc bán tải tháng 3/2018: Bức tranh ảm đạm - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm