Ô tô điện có thể gây nguy hiểm cho các xe đi phía sau vì một tính năng

Nhật Minh

(Dân trí) - Việc đèn phanh trên một số mẫu ô tô điện không sáng khi hệ thống phanh thu hồi năng lượng hoạt động có thể tạo ra một số nguy cơ về an toàn.

Với sự phổ biến của hệ thống phanh thu hồi năng lượng, nghiên cứu cho thấy một số xe điện có thể giảm tốc khá nhanh mà không phát tín hiệu cảnh báo cho tài xế các xe khác trên đường.

Ô tô điện có thể gây nguy hiểm cho các xe đi phía sau vì một tính năng - 1

Các quy định an toàn tại Mỹ không đề cập đến việc đèn phanh sẽ như thế nào khi hệ thống phanh thu hồi năng lượng đang hoạt động (Ảnh: Hyundai).

Nhờ hệ thống phanh thu hồi năng lượng, ô tô điện có thể giảm tốc mà không cần tài xế đạp chân phanh. Hầu hết những ai từng lái hoặc tìm hiểu về xe điện đều biết điều này, nhưng gần đây, kênh Technology Connections trên YouTube đã chỉ ra nguy cơ mất an toàn.

Họ đề cập cụ thể đến trường hợp mẫu Hyundai Ioniq 5 không sáng đèn phanh khi xe giảm tốc độ nhờ hệ thống phanh thu hồi năng lượng. Dù tài xế không đạp phanh, nhưng xe giảm tốc khá nhiều, có thể gây nguy hiểm nếu tài xế các xe khác không nhận biết được việc có xe đang giảm tốc độ.

Video này đã nhanh chóng thu hút hơn 2 triệu lượt xem, khiến tạp chí tiêu dùng nổi tiếng Consumer Reports của Mỹ chú ý và thấy cần phải tìm hiểu.

Theo đó, tạp chí này phát hiện ra rằng xe Ioniq 5 SEL 2022, Genesis GV60 Advanced 2023, Hyundai Electrified GV70 2023, Kia EV6 Wind AWD 2022, và Niro EV Wind 2023 không sáng đèn phanh dù tốc độ giảm khá nhanh.

Ô tô điện có thể gây nguy hiểm cho các xe đi phía sau vì một tính năng - 2

Thử nghiệm với mẫu Ioniq 5 cho thấy đèn phanh không hề sáng dù xe giảm tốc độ khá nhanh từ khoảng 47km/h về gần 0km/h (Ảnh: Consumer Reports).

Trong khi đó, một số xe điện khác của Hyundai, ngay cả mẫu Ioniq 6, có sáng đèn phanh khi hệ thống phanh tái tạo năng lượng hoạt động, làm giảm tốc độ xe.

"Từ nay cho tới khi có giải pháp khắc phục vấn đề này, người sử dụng xe điện nên giữ chế độ phanh thu hồi năng lượng ở Mức 1 hoặc 2, tránh sử dụng mức 3 hoặc cao nhất là i-Pedal", bà Jennifer Stockburger, giám đốc Trung tâm thử nghiệm ô tô của Consumer Reports, cho biết.

Hyundai phản hồi rằng đã ghi nhận những lo ngại này, nhưng khẳng định rằng xe của hãng đáp ứng tất cả các quy định an toàn của Mỹ. Do đó, Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) bị cho là thiếu cập nhật trong lĩnh vực này.

Một người phát ngôn của NHTSA cho biết tiêu chuẩn an toàn xe cơ giới liên bang không quy định đèn phanh phải sáng trong một số trường hợp xe giảm tốc và NHTSA sẽ thảo luận các vấn đề an toàn này với phía nhà sản xuất ô tô.

Ngoài ra, khi thử nghiệm, Consumer Reports phát hiện ra rằng xe điện của Mercedes cũng có một số vấn đề liên quan đến đèn phanh. Theo đó, khi xe ở chế độ thu hồi năng lượng "Strong Recuperation", đèn phanh tắt khi xe gần dừng lại hẳn.

Mặc dù đèn có sáng khi xe bắt đầu giảm tốc, nhưng khi xe giảm xuống tốc độ khoảng 8km/h thì đèn phanh lại tắt. Việc này có thể là do Mercedes đã thiết kế để xe không giảm tốc quá đột ngột ở tốc độ đó, khiến quá trình phanh mượt mà hơn.

Dù Mercedes cũng nói rằng hệ thống đèn phanh của họ tuân thủ mọi quy định an toàn của liên bang, nhưng tạp chí Consumer Reports phản bác rằng việc này vẫn dẫn tới mối nguy về an toàn.

"Để đảm bảo an toàn, chúng tôi cho rằng đèn phanh nên tiếp tục sáng lúc xe chuẩn bị dừng hẳn, giống như khi tài xế đạp chân phanh" ông Alex Knizek, giám đốc thử nghiệm ô tô của Consumers Reports, giải thích. "Việc này giúp chiếc xe phát tín hiệu cảnh báo cho tài xế phía sau biết rằng xe vẫn đang giảm tốc để chuẩn bị dừng".

Theo www.consumerreports.org